Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đưa Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam sớm đi vào cuộc sống

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) – “Đưa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra”. Đây là chỉ đạo và yêu cầu của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra vào sáng 18/5.

Sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình cụ thể

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh một số yêu cầu đề ra, đó là các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ sâu sắc nội dung nghị quyết quan trọng này. Phải thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó phải tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đồng thời sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, việc đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hoá và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. “Trong thời gian ngắn có thể xây dựng một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại, nhưng để chuyển biến tư duy, nhận thức của con người vốn quen sống ở nông thôn, phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài, cần có sự kết hợp nhiều biện pháp.” - đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Đồng thời, triển khai, thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ cần sớm ban hành chương trình hành động; triển khai nghị quyết, chương trình hành động phải bảo đảm sát các nội dung nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, Chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của Nghị quyết; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết; khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị.

“Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.” - đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng.

Nghị quyết 06 có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM

Trước đó, trình bày tham luận tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, Nghị quyết 06 có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM, trong đó đã gợi mở, tháo gỡ để giúp TPHCM phát triển đô thị không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng, trong mạng lưới đô thị của cả nước. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính mới, rất thuận lợi, phù hợp với TPHCM.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TPHCM, các cơ quan nghiên cứu để cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 06 gắn với khẩn trương khai xây dựng quy hoạch chung TPHCM, TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo các định hướng phát triển đô thị lớn, siêu đô thị với đa trung tâm. Các trung tâm đã được hình thành từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đó là thành phố phía Đông, Tây Bắc và phía Nam, gắn với các chức năng trung tâm như Trung tâm tài chính, Trung tâm chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Về các nhiệm vụ và giải pháp, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trước hết TPHCM tập trung nhiệm vụ phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng xã hội. Đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị cần quan tâm hình thành cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng TPHCM và 7 tỉnh trong vùng thúc đẩy phát triển đô thị của vùng. Đồng thời đề nghị sớm triển khai dự án đường sắt TPHCM – TP Cần Thơ để kết nối giữa TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, việc này sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc phát triển hạ tầng đô thị, khu đô thị mới cũng như trong chỉnh trang đô thị…

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM cũng triển khai chương trình chỉnh trang đô thị gắn phát triển công viên cây xanh, chiếu sáng; đồng thời đang xây dựng đề án về cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội để phát triển hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. TPHCM triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân đô thị; tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của Trung tâm An sinh TPHCM gắn với các chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh, đặc biệt là nhóm người yếu thế.

Về phát triển kinh tế đô thị, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục nghiên cứu để triển khai, trong đó thành phố đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ… gắn với việc hình thành các đô thị ven sông, ven biển của TPHCM, cũng như đô thị gắn với công nghiệp và dịch vụ.

Đồng thời, TPHCM hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Sau 1 năm thực hiện triển khai Nghị quyết 131 của Quốc hội, bước đầu TPHCM đã tạo được những thuận lợi và đạt kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, hạn chế. TPHCM đang tích cực sơ kết sau 1 năm triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ để kiến nghị Trung ương, Chính phủ tiếp tục có những định hướng tháo gỡ, có thêm các giải pháp để thực hiện tốt hơn mô hình chính quyền đô thị…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo