Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Doanh nhân dồn tài lực, vật lực phát triển doanh nghiệp

Sản xuất sản phẩm cung ứng linh kiện cho Samsung tại Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên do chính doanh nhân Việt Nam làm chủ

(Thanhuytphcm.vn) - Nhân kỷ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), một số doanh nhân TPHCM đã chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh phát triển kinh tế đất nước hiện nay, cũng như xung quanh chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Theo các doanh nhân, để góp phần vào quá trình phát triển đất nước, hiện các doanh nhân Việt Nam đang dồn tài lực và vật lực để phát triển DN ngày càng lớn mạnh.

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm  

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh nhận định: Thời gian qua, Nhà nước đã có những đổi mới theo hướng tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển. Điều này cho thấy, vai trò của DN trong nền kinh tế ngày càng rõ nét và DN trở thành nhân tố mang tính quyết định cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Bởi lẽ, chính các DN sau khi thành lập đã đem hết vốn liếng, năng lực chuyên môn, trí tuệ để duy trì sự tồn tại và phát triển của DN. Tuy nhiên, để xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, ông Hiến cho rằng, mỗi doanh nhân phải dồn tài lực và vật lực để mở rộng, phát triển DN mình. Đặc biệt, tập trung xây dựng và phát triển thị trường đủ sức cạnh tranh với DN ngoại ngay chính trên sân nhà và ở các nước khác trên thế giới.

Còn ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Vi tính Liên Sơn chia sẻ: Trong thời gian gần đây, vai trò của DN, doanh nhân ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm, tôn vinh, tôn trọng. Hiện nay, giới doanh nhân đã có tiếng nói và đóng góp nhất định cho xã hội. Vì vậy, bản thân các doanh nhân luôn ý thức và làm những việc tốt nhất để tạo ra của cải cho xã hội, nuôi sống người lao động; cũng như có những đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước và xây dựng các DN Việt Nam lớn mạnh đủ sức vươn ra thế giới. Cụ thể là DN không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin trong người tiêu dùng ở trong nước và quốc tế. Qua đó, giúp cho những sản phẩm do chính DN Việt Nam sản xuất ngày càng có chỗ đứng ở thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) Đỗ Hướng Dương cho rằng: Sự lo lắng hiện nay của DN là cơ cấu giá thành do phải gánh chịu quá nhiều chi phí trong hoạt động kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm còn khá cao nên khó cạnh tranh với giá cả hàng ngoại nhập.

Hỗ trợ DN tư nhân phát triển

Đề cập về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, các doanh nhân cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Theo ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Vi tính Liên Sơn, từ năm 1993 - 1994, khi nền kinh tế đất nước mở cửa, DN tư nhân bắt đầu phát triển nhưng con số còn hạn chế. Nhưng đến nay, sau 20 năm đã có sự phát triển lớn mạnh. Thời gian qua, sự phát triển của DN tư nhân đã chiếm một phần doanh thu và số tiền thuế đóng cho Nhà nước chiếm tỷ lệ cao khoảng trên 40% - 50% và ngày càng tăng dần; người lao động trong DN tư nhân ngày càng tăng và tay nghề được nâng cao. Các DN tư nhân là một động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Điển hình là hầu hết DN tư nhân đều làm ăn có hiệu quả, có đóng thuế cho Nhà nước và không bị mất vốn. Điều này cho thấy, DN tư nhân là một trong những thành phần và động lực phát triển của nền kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế thời gian qua cần được hỗ trợ thêm để phát triển. (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Giày dép Vĩnh Phong) Doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế thời gian qua cần được hỗ trợ thêm để phát triển. (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Giày dép Vĩnh Phong)

Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Thái Linh cho rằng, việc Đảng và Nhà nước tập trung phát triển kinh tế tư nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước cần xóa bỏ sự phân biệt giữa DN Nhà nước và DN tư nhân, không có sự ưu đãi, đặc quyền giữa hai loại hình DN này. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; có các quy hoạch về phát triển DN, ngành nghề kinh doanh cụ thể, rõ ràng để định hướng cho DN đầu tư phát triển một cách hiệu quả. Cùng với đó, phải có sự liên kết giữa các trường đại học với DN trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mang tính thực tiễn hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên cung cấp thông tin về tiêu chuẩn quy định của quốc tế đối với các sản phẩm, cũng như những sản phẩm mà thị trường đang cần để DN nắm bắt và chủ động trong việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) Đỗ Hướng Dương mong muốn Nhà nước thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân để có những chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tư nhân phát triển.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh cho hay: Để kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước phải luôn luôn rà soát lại những chính sách để hỗ trợ DN, tháo gỡ những vướng mắc cho DN; xóa bỏ và giảm bớt những giấy phép con không cần thiết; tăng cường việc kết nối DN với ngân hàng, có chính sách giảm lãi suất cho vay đối với DN tư nhân để họ tiếp cận nguồn vốn...

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo