Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Quang cảnh buổi làm việc.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 28/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND TPHCM về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phòng Quốc hội; Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

TPHCM đạt và vượt chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Báo cáo với Đoàn giám sát, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, nhất là những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực, song với quyết tâm cao, cùng với các giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả. Các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên suốt 5 năm đều đạt và vượt. Thực hiện tiết kiệm ngân sách nhà nước ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh nguồn nhân lực, tăng cường hội nhập quốc tế.

Kết quả thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thu đạt 91,8% dự toán). Chi ngân sách nhà nước bảo đảm nhiệm vụ đề ra. Năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên đạt 367 tỷ đồng (kế hoạch là 215 tỷ đồng), năm 2021 đạt 418 tỷ đồng (kế hoạch là 206 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 86,06% tổng kế hoạch vốn. Giai đoạn 2016 - 2020, TP theo dõi 19 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 123.274 tỷ đồng (vốn ODA: 103.460 tỷ đồng; vốn đối ứng 19.813 tỷ đồng). Trong đó, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bố trí khoảng 30.480 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, TPHCM kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2021 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi giám sát. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi giám sát.

Cần tạo sự chủ động cho TP

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, về tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM sẽ đề nghị thay nghị quyết mới để tạo sự chủ động cho TP về đầu tư, về tài chính – ngân sách và tổ chức bộ máy và những cơ chế làm sao giao cho TP một thẩm quyền chịu trách nhiệm và quyết định dựa trên hiệu quả.

Liên quan đến tổ chức bộ máy biên chế, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề xuất cho phép TP được đánh giá lại cho đúng với yêu cầu, với quy mô dân số, với hoạt động kinh tế - xã hội thì TP xin được đánh giá cho đúng với việc tổ chức bộ máy, số lượng biên chế và cũng xin được đề xuất giao cho TP có sự chủ động về tổ chức bộ máy và biên chế. TPHCM không xin nhiều hơn mà chỉ xin đủ để làm.

Liên quan đến sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công cũng như cơ chế tự chủ TP đã trình Thủ tướng thông qua Bộ Kế hoạch – Đầu tư về kế hoạch sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, TP đã có chủ trương xây dựng đề án về quản lý tài sản công, kể cả là trụ sở của các cơ quan, nhà đất hiện đang quản lý. Tính tới phương án có thể sắp xếp lại một số cơ quan cho khoa học, tiết kiệm và quỹ nhà đất dôi dư ra thì có thể khai thác và phát huy hiệu quả.

Đồng chí Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi giám sát. Đồng chí Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi giám sát.

“Đối với ngành y tế, giáo dục, không nên đặt vấn đề tự chủ là không dùng ngân sách nữa. Bởi sự cần thiết phải đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, giáo dục từ ngân sách và một số đơn vị khác. Nhất là đối với TPHCM, đô thị trên 10 triệu dân, nếu không quan tâm đến các vấn đề xã hội thì sẽ kéo theo là vấn đề an ninh - chính trị”, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của tổ công tác và TPHCM trong việc chuẩn bị, hoàn thiện báo cáo. Báo cáo của TP đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiều nội dung đã nêu được kết quả cụ thể; báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị những giải pháp khắc phục theo từng nội dung.

Đồng chí Trần Quang Phương cũng chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của TP và chia sẻ những khó khăn, thách thức như tác động của dịch Covid-19, một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo. Về những đề xuất của TPHCM, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ báo cáo, phản ánh đầy đủ với Quốc hội, Chính phủ để có giải pháp hiệu quả, thiết thực. “UBND TPHCM tiếp tục bổ sung thông tin theo đề xuất của tổ công tác và các thành viên của đoàn giám sát. Phản ánh những kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong báo cáo cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là quy rõ trách nhiệm ai, cấp nào, nhất là người đứng đầu. Những đề xuất cần làm rõ lý do, chỉ rõ những quy định còn có những nhận thức khác nhau, quy định còn chung chung thiếu cụ thể, mâu thuẫn, chồng chéo, khó hiểu, khó áp dụng, thực hiện, khó kiểm tra đánh giá và xử lý”, đồng chí Trần Quang Phương đề nghị.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị UBND TP tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của TP thì cần tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi có báo cáo và nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát. Đối với những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền, đoàn giám sát sẽ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan hữu quan tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo