Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ có 2 tháng. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA cũng có chuyển biến, nhưng tỉ lệ còn thấp.

Thủ tướng đề nghị hội nghị thảo luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp.

Theo Thủ tướng, vấn đề thấy rõ nhất là do giải phóng mặt bằng. Tại sao nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được, có phải do chúng ta chưa quan tâm, chưa có cách làm đúng mức không? Vấn đề mặt bằng chủ yếu là ở cấp quận, huyện, tỉnh, vì vậy Thủ tướng đặt vấn đề lãnh đạo chính quyền đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có cách làm tốt trong tìm mặt bằng tốt cho dự án ODA chưa?

Với vấn đề vốn đối ứng, Thủ tướng cũng nêu tình trạng, nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án, do đó cũng cần làm rõ giải pháp nào cho vấn đề này. Thủ tướng cũng lưu ý, các địa phương, đơn vị chỉ rõ cơ quan nào để chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục cho các dự án ODA; biện pháp nào nhằm giúp không để lọt nhà đầu tư kém năng lực, thiếu kinh nghiệm được tham gia dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh thảo luận tình hình, nguyên nhân thì cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết. Phải xắn tay vào cuộc, phải quyết chí trong lãnh đạo, phấn đấu đến cuối năm đạt được tỉ lệ giải ngân cao hơn nữa. “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”, Thủ tướng lưu ý. Hội nghị phải bàn thiết thực các nguyên nhân, giải pháp cho rõ ràng để có bước tiến mới trong nhận thức và hành động, không chỉ cho năm nay mà cả các năm tới.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg của Thủ tướng thì mức giải ngân này đạt trên 35%.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ODA vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Về khách quan, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều nước, tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Tiến trình đàm phán, thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài đối với từng hoạt động và kế hoạch thực thi dự án, việc tổ chức đấu thầu quốc tế... đã bị ảnh hưởng. Một lý do chậm trễ là sự khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hay việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương - chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.

H.Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo