Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đẹp mãi tinh thần của những người chiến sĩ kiên trung

Mẹ Việt Nam Anh hùng – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Tùng tại buổi giao lưu

(Thanhuytphcm.vn) – Trong cuộc kháng chiến năm xưa, có những bà mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc được hòa bình, tự do. Và trong cuộc sống hôm nay, có những người cựu chiến binh vẫn lặng lẽ đi tìm hài cốt của đồng đội với mong muốn đồng đội sẽ được trở về với gia đình, yên nghỉ trên quê hương. Đó là những câu chuyện  của Mẹ Việt Nam Anh hùng – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Tùng và cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm được chia sẻ tại Chương trình giao lưu “Bài ca không quên” do Nhà Văn phụ nữ TPHCM tổ chức chiều 20/7.

Bà Mẹ với 11 tên gọi

Ấn tượng đầu tiên về Mẹ Việt Nam Anh hùng – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Tùng là người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhưng ánh mắt luôn kiên nghị. Mẹ Tùng là một trong những chiến sĩ đầu tiên trong tổ chức vũ trang đô thị - tiền thân của đội Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Đội biệt động ấy đã chiến đấu trong lòng địch với điều kiện rất khắc nghiệt và các chiến sĩ đã hy sinh gần hết. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Mẹ đã cướp xe của địch, đóng làm nhân viên công tác xã hội, rồi tự lái xe đưa hàng chục chiến sĩ quân giải phóng bị thương khi đánh vào Đài phát thanh Sài Gòn về tuyến sau chữa trị. Sau những trận đánh ác liệt, di chứng để lại là 4 mảnh đạn và 1 viên đạn vẫn còn ghim lại trên người Mẹ. 

Có một điều khá thú vị ở Mẹ Tùng là trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, Mẹ có đến 11 cái tên, 11 giấy khai sinh để độc lập chiến đấu ngay trong hang ổ kẻ thù. Mẹ kể: “Ngày trước, Sài Gòn – Gia Định có 11 quận, huyện nên đơn vị đã đặt cho Mẹ 11 tên khác nhau để hoạt động tại các địa bàn. Ở mỗi địa bàn dùng một tên khác nhau”.

Kể về cuộc đời cách mạng của mình, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Tôi sinh ra ở xã Phú Thọ Hòa, Tân Bình, Sài Gòn – Gia Định (nay là quận Tân Phú, TPHCM). Hồi nhỏ xã tôi bị thực dân Pháp càn quét giết dân làng. May mắn tôi được người chú cõng đi chơi nên sống sót. Nhà tôi có 9 anh em, trong đó 8 anh trai khi đó đã đi du kích. Nhưng rồi 4 người đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 4 người ngã xuống trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, từ khi 11 tuổi tôi đã làm giao liên cho bộ đội và rồi đi bộ đội. Chính quân đội đã mang đến cho tôi một mái ấm gia đình”.

Nhiều người đã không giấu được xúc động khi biết cả người chồng của  Mẹ - một chiến sĩ biệt động Sài Gòn và hai con của Mẹ tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 316 đặc công đều đã hy sinh. “Khi chiến đấu, ba mẹ con ở ba nơi nên không được gặp nhau, lâu lâu hai thằng nhỏ mới gửi thư cho tôi. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hai tiểu đoàn con tôi chiến đấu đã phối hợp lại với 52 người nhưng đã hy sinh mất 51 người. Ngày biết tin hai con hy sinh tôi nói với mấy chú cùng đơn vị: các chú ráng cố gắng, vì trận địa đang nổ súng chờ tiếng nói các chú nhiều lắm. Các chú mất đi hai chiến sĩ hiên ngang, tôi mất đi hai nắm ruột. Nói rồi tôi lả đi lúc nào không hay, không biết gì nữa”.  – Mẹ kể. 

Ở tuổi gần 90 nhưng Mẹ vẫn còn khá nhanh nhẹn. Mẹ chia sẻ: “Để hoàn thành được nhiệm vụ, tôi luôn nghĩ rằng khi được giao nhiệm vụ dù nhỏ nhất cũng phải hoàn thành và khó khăn nhất cũng không được lùi bước”. 

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Từ 16 năm qua, ông Nguyễn Văn Tâm, cựu chiến binh phường 11, Quận 10 đã liên hệ khắp nơi, tìm thân nhân đồng đội, tìm hài cốt đồng đội để họ được trở về quê mẹ, về với gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tâm nhớ lại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tham gia chiến đấu tại Sư đoàn 1, Quân Giải phóng, Bộ Tổng Tham mưu. Khi đơn vị chiến đấu khu vực tỉnh Kiên Giang, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống và chính tay ông đã chôn cốt đồng đội mình. Cả đơn vị hơn 300 người khi đi, nhưng khi về chỉ còn gần 60 người.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm tại buổi giao lưu Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm tại buổi giao lưu

Ông kể, năm 2001, khi về thăm chiến trường xưa tại Hà Tiên, Kiên Giang, thấy các đồng đội vẫn chưa được quy tập, có nguy cơ bị lãng quên ông đã nghĩ đến chuyện đi tìm hài cốt những người đồng đội. Đến nay, với sơ đồ chôn cất những đồng đội năm xưa và danh sách những người đồng đội đã hy sinh, ông đã cùng Đội quy tập hài cốt của tỉnh Kiên Giang tìm được 24 bộ hài cốt của đồng đội. Lúc đầu một mình ông đi tìm hài cốt đồng đội và khó khăn nhất là tìm địa chỉ các gia đình đồng đội vì nhiều gia đình đã thay đổi nơi sống, nhiều địa phương thay đổi tên. Rồi ngay người thân của ông không cho ông đi vì sợ vào rừng sâu núi thẳm không ai chăm sóc…

Chia sẻ về lý do đi tìm hài cốt đồng đội, đôi mắt của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm bỗng nhạt nhoà bởi những giọt nước mắt. Ông cho biết: “Tôi gặp cha mẹ đồng đội, tuổi cao sức yếu và còn hỏi “Mày có thấy nó không? Tao chỉ nhận giấy báo tử từ phía Nam, không biết nó nằm đâu?”. Câu hỏi ấy khiến tôi day dứt và nghĩ nếu mình không đi tìm, đồng đội sẽ nằm yên nơi nào đó mà không ai biết. Khi đi tìm, tôi thấy nhiều bộ hài cốt hầu như mục hết do nhiều đồng chí khi hy sinh mới 17 – 18 tuổi”.

Ông xúc động cho biết, khi đi tìm hài cốt đồng đội ông được những người dân địa phương giúp đỡ, mời vào ăn cơm. Tình đoàn kết quân dân cá nước đó đã giúp tôi có thêm động lực đi làm công việc của mình. Ông luôn mong muốn, khi có điều kiện sẽ đi tìm lại hài cốt đồng đội cũ ở những chiến trường khác mà đơn vị ông từng chiến đấu…

Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau mất mát vẫn còn đó và tinh thần bất khuất, sự hy sinh cao cả của những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có Mẹ Nguyễn Thanh Tùng vẫn còn sáng mãi. Và tinh thần của những chiến cách mạng năm xưa càng đẹp hơn bởi nghĩa tình đồng đội nặng sâu của những cựu chiến binh như ông Nguyễn Văn Tâm vẫn lặng lẽ đi tìm để đưa đồng đội trở về.

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo