Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đề án 06 đạt những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Tham dự chủ trì tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06, với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể. Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Đây là sự chuyển đổi trạng thái rất khó khăn, là công việc chưa có tiền lệ, do đó, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đòi hỏi đổi mới tư duy, cách làm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đầu tư về công sức, nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát.

“Nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Trong chuyển đổi số, người dân là trung tâm, là chủ thể, do đó, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào xây dựng, thực hiện các chính sách. Các cơ quan nhà nước và cả người dân phải cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai…” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá trung thực, khách quan những kết quả trong thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng qua; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương; thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Báo cáo sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 cho thấy trong năm 2022, tổng số nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là 126 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ giao hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 là 46/126 nhiệm vụ, trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành được 21/46 nhiệm vụ (45,7%), hiện nay còn lại 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành (chiếm 54,3%). 

TPHCM nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, Đề án 06 của Chính phủ được triển khai trong bối cảnh TPHCM đang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị “Triển khai quyết liệt Chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và Đề án xây dựng đô thị thông minh, đưa vào vận hành, khai thác có hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung”. Hiện, TP đang sớm hoàn thiện, báo cáo Trung ương phê duyệt Đề án phát triển TPHCM thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đến nay, UBND TPHCM đã triển khai xây dựng Hệ thống thông tin, chỉ đạo điều hành UBND Thành phố để thực hiện khai thác, chia sẽ dữ liệu trên Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố và vận hành chính thức Cổng dịch vụ công Thành phố. Do đó, việc triển khai Đề án 06 gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu, phần mềm, quản lý hệ thống máy chủ của Thành phố để đáp ứng việc xây dựng dữ liệu chuyên ngành của các sở ngành, phục vụ công cuộc chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện Đề án 06, hiện Thành phố đang tập trung quyết liệt, ưu tiên mọi nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành việc “triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của TPHCM” (dự kiến hoàn thành trong tháng 10 năm 2022). Theo đó, sẽ hoàn thiện, phát triển Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử Thành phố trở thành Hệ thống thông tin giai quyết thủ tục hành chính thống nhất của Thành phố, qua đó tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ và kết nối hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố (HCM LGSP), theo nguyên tắc “không yêu cầu người dân khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân chỉ dùng 1 tài khoản định danh thống nhất để sử dụng dịch vụ các dịch vụ công trực tuyến”; thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và khai thác, chia sẻ kết quả số hóa để làm giàu dữ liệu, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của Thành phố sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể: Cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 3895/QĐ UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021 và Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2022 của UBND Thành phố về phê duyệt danh mục thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn Thành phố năm 2021 -2022; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo 100% thủ tục hành chính (1.733 thủ tục) được thiết lập trên một cửa điện tử để các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tiếp nhận và xử lý hồ sơ người dân/tổ chức (nộp trực tuyến và trực tiếp).

Đồng chí Dương Anh Đức phát biểu tham luận tại hội nghị Đồng chí Dương Anh Đức phát biểu tham luận tại hội nghị

Hiện nay, TPHCM đang tập trung, quyết liệt tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp phải một số vướng mắc, đề nghị các bộ ngành và các đơn vị có liên quan phối hợp khắc phục như: Việc đăng ký tài khoản sử dụng Dịch vụ công hiện nay yêu cầu người đăng ký phải sử dụng sim điện thoại là thuê bao chính chủ, thông tin khai báo của người tạo tài khoản phải trùng khớp thông tin chủ thuê bao sim của nhà mạng. Thực trạng hiện nay rất nhiều người dân dùng sim thuê bao không chính chủ dẫn đến việc hạn chế đăng ký tài khoản dịch vụ công.

Ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, với sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế. Về chỉ đạo, điều hành, nhiều lãnh đạo các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung. Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý các địa phương và các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cần tăng cường phối hợp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tới tận cơ sở, vì người dân là ở cấp cơ sở; đồng thời hỗ trợ những người yếu thế, gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả Đề án 06 rất quan trọng này, với một số quan điểm, định hướng chỉ đạo lớn. thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi tồn tại. Trong đó, phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài, để tránh lãng phí nguồn lực. Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực; sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng không phải nhiệm vụ riêng lẻ của bộ, ngành, địa phương nào, mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách hợp lòng dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực.” - đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị.

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022. Những dịch vụ công nào nâng được lên mức độ 4 thì phải thực hiện ngay, những dịch vụ nào chưa hoàn thành thì tập trung thực hiện.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo