Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đạo diễn - nhà quay phim Khương Mễ: “Lumìere của Đồng Tháp Mười - Việt Nam”

Nhà quay phim, đạo diễn Khương Mễ (trái) ở bưng biền. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - “Tôi đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho đạo diễn - nhà quay phim Khương Mễ!” - NSND Thế Anh đã đề xuất như thế trong chương trình kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ (1947 - 2017). NSND Trà Giang đã xúc động đến bật khóc khi nhắc về những nghệ sĩ tiền phong như Khương Mễ đã truyền cảm hứng và niềm đam mê điện ảnh cho thế hệ mình.

Vậy Khương Mễ là ai mà cả hai tên tuổi hàng đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đều một mực kính trọng và cho rằng xứng đáng với danh hiệu Anh hùng?

Người làm nên “huyền thoại”

Giữa thời đại kỹ thuật số, công nghệ làm phim thay đổi từng ngày, thì một nền điện ảnh hoàn toàn thủ công ra đời trong lửa đạn chiến tranh giữa chốn đồng bưng mênh mông nước mặn phèn chua từ 70 năm về trước chỉ có thể là “huyền thoại”. Và Khương Mễ, chiến sĩ nòng cốt của Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8, đã góp công rất lớn để làm nên “huyền thoại” ấy.

Có thể nói, cả cuộc đời Khương Mễ đã đi cùng lịch sử điện ảnh Việt Nam. Từ năm 1939 khi Antonine Giàu lập nhóm Việt Nam phim với mong muốn người Việt làm phim cho người Việt thì Khương Mễ đã đến với điện ảnh bằng một vai diễn trong phim Một buổi chiều trên sông Cửu Long. Rồi Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), Khương Mễ bỏ thành đi kháng chiến chống Pháp. Cái duyên với điện ảnh tưởng như đứt đoạn nhưng quyết định sáng suốt của Bộ Tư lệnh Quân khu 8 thành lập Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 (15/10/1947) đã giúp Khương Mễ phát huy khả năng, góp công khai sinh nền điện ảnh cách mạng giữa bưng biền Đồng Tháp Mười.

Là người duy nhất có chút ít kinh nghiệm về phim ảnh, Khương Mễ được tin tưởng cử về Sài Gòn lo việc mua máy móc, dụng cụ cần thiết. Ông phải lang thang cả tháng trời giữa “lòng địch”, lùng sục khắp nơi mới có được chiếc máy quay Kodak 16 ly, rồi tìm thuốc tráng phim, sách hướng dẫn kỹ thuật làm phim - toàn “hàng quốc cấm”. Vượt bao nguy hiểm, nhiều lần giả trang, khéo léo ngụy trang hàng hóa che mắt kẻ thù, Khương Mễ và bộ phận tiếp liệu mới đưa hàng về tới chiến khu.

Có dụng cụ rồi lại tiếp tục mày mò từng bước theo sách hướng dẫn. Đã có nhiều “đêm trắng” để tráng thử phim; đã phải mạo hiểm bơi xuồng ra vùng tạm chiếm mua nước đá về nhằm hạ nhiệt độ dung dịch thuốc theo hướng dẫn; đã phải nghĩ cách đóng cái thùng gỗ ướp lạnh thuốc tráng phim theo “kiểu Đồng Tháp Mười”… Đủ những cải tiến có tên lẫn không tên khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về chuyên môn, kỹ thuật; rồi phải tránh máy bay ném bom, pháo kích, quân lính bố ráp, lính nhảy dù… Những thước phim đầu tiên của Điện ảnh Khu 8 đã ra đời từ biết bao công sức, sự sáng tạo, quyết tâm vượt bậc và cả mạo hiểm của những “chiến binh điện ảnh” đầu tiên.

Nhà quay phim, đạo diễn Khương Mễ (phải) và nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy. Nhà quay phim, đạo diễn Khương Mễ (phải) và nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy.

Năm 1948, Trận Mộc Hóa - bộ phim tài liệu chiến trường đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời, lần đầu ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn 307 anh hùng với đủ các cảnh: bộ đội hành quân, bộ đội xung phong, nhân dân tiếp tế cho bộ đội, trại tù binh, đồn trưởng Pháp đầu hàng quân ta… - khẳng định thành quả lớn lao của Điện ảnh Khu 8.

Từ “cột mốc Trận Mộc Hóa”, Khương Mễ với chiếc máy Paillard - Bolex trên vai, cùng đồng đội xông pha khắp các chiến trường Nam bộ để những Chiến dịch Laban, Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Trường Quân chính Khu 8… tiếp tục ra đời, lưu giữ đến hôm nay những “hình ảnh sống” về cuộc kháng chiến nhân dân. Đó chính là chiến công vinh quang của người chiến sĩ quay phim.

Năm 1954, Khương Mễ tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ trẻ kế tục cho điện ảnh Việt Nam. Ông thực hiện một số bộ phim nổi tiếng như: Vợ chồng A Phủ, Khói trắng, Lửa rừng, Hai người lính… Sau ngày giải phóng, Khương Mễ trở lại miền Nam tiếp tục cống hiến cho điện ảnh nước nhà với những tác phẩm: Chuyện bên lề 30/4 (truyền hình), Cô Nhíp, Chiều sâu lòng đất (phim truyện)… và chỉ chịu rời máy quay khi bước vào tuổi 86.

Đưa điện ảnh bưng biền ra thế giới

Năm 1997, tại Liên hoan Phim Quốc tế Amiens (lần thứ 17) - một trong 5 liên hoan phim quốc tế lớn nhất của Pháp, Khương Mễ là khách mời danh dự và Điện ảnh kháng chiến Nam Bộ được dành riêng một gian triển lãm sang trọng, bề thế. Triển lãm với 25 bức ảnh đen trắng phóng to, 6 mô hình thiết bị phục chế, chiếc máy quay Paillard - Bolex 16 ly cũ kỹ, cái bàn dán, kính lúp, 2 quyển sách về điện ảnh bằng tiếng Pháp đã vàng úa từ năm 1947…; cùng buổi chiếu phim với những thước phim mộc mạc của Trận La Bang, Trận Trà Vinh - cầu Kè…, Khương Mễ và Điện ảnh Bưng biền - Nam Bộ đã làm sửng sốt cả nước Pháp và công chúng điện ảnh quốc tế.

Đạo diễn Xuân Phượng, người cũng có mặt tại Amiens ngày đó nhớ lại: “Những hiện vật không biết bao nhiêu lần phải chôn dấu trong xuồng, vùi dưới ao, phải phục chế, nay kiêu hãnh mời đón hàng chục ngàn người chiêm ngưỡng tận Amiens xa xôi. Gian triển lãm lúc nào cũng đầy người, ai cũng muốn tìm hiểu và muốn bắt tay “ông già điện ảnh” Khương Mễ. Các phòng chiếu phim Việt Nam đều không còn chỗ. Dòng người xếp hàng kéo dài từ sân đến sát cửa phòng chiếu. Thấy Khương Mễ bước qua, tiếng vỗ tay vang lên: “Bravo Việt Nam! Việt Nam”. Có ông Hiệu trưởng Trường Trung học Amiens chia sẻ: “Mấy ngày nay, cả TP xôn xao vì hai chữ Việt Nam. Các em nô nức xin được đi xem triển lãm, xem phim, được nhìn tận mắt một huyền thoại về điện ảnh…”. Hai ngàn học sinh đã đến đây. Thật kỳ diệu!”. Tuy quen biết nhau đã lâu nhưng lần đầu tiên đạo diễn Xuân Phượng thấy Khương Mễ cười và chảy nước mắt nhiều đến vậy.

Đêm bế mạc, ông Jean Pierre Garcia, Chủ tịch Liên hoan phim Quốc tế Amiens, đã trao giải Kỳ Lân Vàng danh dự cho Khương Mễ với lời chúc: “Tôi vinh dự được trao giải lớn nhất của Liên hoan phim đến ông, một con người đã đem lại niềm tự hào cho những người làm điện ảnh chúng ta”. Ôm chặt Khương Mễ và nói: “Đây là điều tôi mong các bạn đừng quên: Hãy yêu thương quý trọng người bạn này của chúng ta và của lịch sử điện ảnh thế giới, đây là ông Lumìere của Đồng Tháp Mười - Việt Nam!”. Trong tiếng Pháp “lumìere” có nghĩa là “ánh dương”; đồng thời lịch sử điện ảnh thế giới cũng ghi công anh em nhà Lumière đã khai sinh ra “nghệ thuật thứ bảy” với những thước phim cực kỳ thô sơ vào ngày 28/12/1895 tại Paris. Nửa thế kỷ sau, giữa bưng biền Đồng Tháp Mười, Khương Mễ cùng đồng đội đã làm nên “huyền thoại” với một nền điện ảnh hoàn toàn bằng thủ công, đặt những viên gạch đầu tiên cho điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu xem Triển lãm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ. (Ảnh: Ngọc Tuyết) Các đại biểu xem Triển lãm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ. (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Theo dõi “huyền thoại” điện ảnh bưng biền tại Amiens, đạo diễn trẻ người Pháp Samuel Aubin hết sức ngưỡng mộ Khương Mễ và đã sang Việt Nam nhiều lần để thực hiện bộ phim tài liệu La chambre noire de Khương Mễ - Phòng tối của Khương Mễ. Phim được trình chiếu tại Viện trao đổi Văn hóa Pháp - IDECAF vào năm 2003.

Đã hơn 10 năm kể từ ngày Khương Mễ ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng các thế hệ người làm điện ảnh vẫn luôn hướng về ông và những nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh Bưng biền - Nam Bộ năm xưa với những tình cảm biết ơn trân trọng nhất. Đồng thời cũng đau đáu một nỗi niềm rằng, những người có công gây dựng nên một nền điện ảnh dân tộc trong kháng chiến vẫn chưa được tưởng thưởng công lao xứng đáng. “Có lẽ bác Khương Mễ cũng như các đồng đội của mình không nghĩ về một phần thưởng cho mình khi đã cống hiến đến cuối cuộc đời. Nhưng một phần thưởng, một tấm huy chương dành cho các bác là điều hợp tình, hợp đạo lý và niềm biết ơn, sự trân trọng đối với những công lao”, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, chia sẻ.

 
Đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Khương Mễ (1916 - 2004), quê quán Châu Đốc - An Giang, tham gia kháng chiến từ năm 1945. Các giải thưởng: Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam 1973 (Vợ chồng A Phủ, Trận La Bang), Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam 1977 (Cô Nhíp), giải thưởng của Tiểu hội Á - Phi - Mỹ Latinh Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) 1977…
Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo