Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) -  Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, chiều 24/9 đã diễn ra Diễn đàn thảo luận giữa Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và đại biểu dự Đại hội với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành và thành phố Hà Nội tham dự diễn đàn.

Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, đã và đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động với các nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, khẳng định sự đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một loạt nội dung thảo luận, đó là nhìn nhận của các đại biểu về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới; về công tác điều hành của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và những hiến kế cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị đại biểu đánh giá về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động, việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay và sự tham gia của Công đoàn vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước…

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TPHCM) đặt vấn đề về tiết kiệm nguồn nhân lực và tự động hóa thiết bị tác động rất nhiều đến năng suất lao động. Nhập máy cũ về sẽ không thể tăng năng suất lao động. Ông đề nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mà các công ty, tập đoàn nhập về.

Ông cũng băn khoăn về nhiệm kỳ công đoàn sắp tới sẽ có nhiều biến động khi sắp tới Quốc hội phê chuẩn hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ảnh hưởng nhiều đến người lao động Việt Nam khi mà lực lượng đoàn viên công đoàn chỉ chiếm 20% lực lượng lao động, 80% người lao động còn lại ai sẽ bảo vệ và lực lượng đó có đồng hành cùng Chính phủ hay không. Cần phải tăng số lượng đoàn viên.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, cho đến nay, năng suất lao động nước ta đã đạt 102 triệu đồng/lao động, chứng tỏ tốc độ tăng năng suất lao động tăng lên rất nhiều. Nếu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên thì năng suất lao động sẽ cao hơn.

Về nguyên nhân năng suất lao động thấp, theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, do người lao động chưa qua đào tạo, một bộ phận nhà máy, công xưởng chỉ ở mức 2.0, chưa kết nối được công nghệ thông tin, trình độ của lực lượng lao động cũng vậy. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lại khá cao 59,9%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề do những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cả thời cơ và thách thức. Cần tập trung cao vấn đề đào tạo nghề đối với số lao động chuyển nghề mới hoặc người lao động làm nghề cũ nhưng phải có tay nghề cao hơn; chú trọng  đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các đoàn viên công đoàn tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước, khích lệ thúc giục mọi người dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động – lực lượng đi đầu – cùng chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, cống hiến; về khát vọng vươn lên; về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực; về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.

“Tất cả người lao động Việt Nam dù khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức kỷ luật lao động, trang bị kiến thức pháp luật, xây dựng tác phong công nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phải biết trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên. Cần coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng vì lợi ích chung”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị người lao động phải luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, công tác; nghiêm khắc đấu tranh với căn bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu, sách nhiễu, vô cảm, vô trách nhiệm trong chính bản thân và đồng nghiệp của mình. Người cán bộ, công chức, viên chức phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, coi sứ mệnh của mình là tham mưu giỏi, phục vụ tốt, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Từng người đổi mới, từng cơ quan, doanh nghiệp đổi mới, góp gió sẽ thành bão. Việc đổi mới trong toàn xã hội, nhất là khoa học công nghệ  được áp dụng mạnh mẽ để tạo ra năng suất lao động mới cao hơn và từ đó sẽ đóng góp trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Có chương trình, kế hoạch hành động thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát huy truyền thống hào hùng, oanh liệt của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử dân tộc và trong thời đại mới. “Không được lỡ chuyến tàu trong cuộc cách mạng đóng góp, xây dựng đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị Đại hội nghiên cứu, thảo luận đưa chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” thành một chương trình hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng chính quyền các cấp tích cực hơn trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, bởi đây là cách huy động được cao nhất tài năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của người lao động đóng góp cho sự nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo