Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Còn nhiều lo lắng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Hội nghị ngày 9/1

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 9/1, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo hình thức trực tuyến đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới cho biết, chương trình GDPT hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo). Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất). Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù, chương trình GDPT còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Với chương trình mới, cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) thực hiện dạy học 1 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, với nội dung giáo dục địa phương, UBND tỉnh sẽ quyết định việc xây dựng, thẩm định và giảng dạy nội dung giáo dục địa phương để phù hợp với thực tế. Ví dụ, TPHCM có thể dạy về nội dung xây dựng đô thị thông minh; các tỉnh Tây Nguyên dạy về trồng trọt, văn hóa... Đặc biệt chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, định hướng tiếp cận của chương trình GDPT mới là phát triển năng lực thay vì nội dung, cách tiếp cận rất công phu bài bản, mang tính quốc tế, đi vào từng môn học. Chương trình sẽ kế thừa những gì chương trình cũ còn tốt và sẽ chỉnh sửa, bổ sung những bất cập, bổ sung để phù hợp với xu thế quốc tế.

Bộ trưởng cho rằng, chương trình GDPT đã có, sau hội nghị hôm nay bắt đầu triển khai. Trong đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ được đẩy mạnh thông qua hình thức tập huấn trực tuyến, để bảo đảm giáo viên được tập huấn kịp thời, đầy đủ. Có hai hiệm vụ sẽ được ngành giáo dục chú trọng trong thời gian tới là hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay, rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau.

Về chuẩn bị đội ngũ để thực hiện Chương trình GDPT mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay, tính đến tháng 10/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình GDPT mới, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT Phạm Hùng Anh cho biết, hiện cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỷ lệ kiên cố khoảng 75%. Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu từng bước "lấp đầy" sự thiếu hụt khi triển khai chương trình mới. Về phòng học, cấp tiểu học bảo đảm 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày và cấp THCS, THPT  bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo