Theo đó, Luật quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy 50 tuổi; Thiếu tá 52 tuổi; Trung tá 54 tuổi; Thượng tá 56 tuổi; Đại tá 58 tuổi; Cấp tướng 60 tuổi.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ nhưng quy định không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan như dự thảo Luật vừa giữ gìn được đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe trong chỉ huy, quản lý, nghiên cứu, tham mưu và số cán bộ có chuyên môn trình độ cao để có nhiều thời gian phục vụ Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại; bảo đảm sĩ quan cơ bản có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Nghị quyết quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Nghị quyết quy định biện pháp xử lý vật chứng, tài sản như: biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản; biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Lợi tức phát sinh trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản theo quy định của Nghị quyết này được xử lý theo bản án, quyết định của Tòa án.
Nghị quyết cũng quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện trong 3 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác. Thời điểm Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành mà biện pháp xử lý vật chứng, tài sản đã áp dụng theo quy định của Nghị quyết này chưa kết thúc thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi có quyết định hủy bỏ của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.
Liên quan đến quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, Luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và đưa nạn nhân về nước; tương trợ tư pháp trong phòng, chống mua bán người.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.