Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cơ hội tăng xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Châu Âu

Doanh nghiệp giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu gạo sang thị trường EU tại hội thảo ngày 4/11.

(Thanhuytphcm.vn) - Tại Hội thảo quốc tế về các quy định đối với xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 4/11 tại TPHCM, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đánh giá việc cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) có giá trị cao và chất lượng cao.

Số liệu thống kê cho thấy, sau hơn 3 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản từ ngày 1/8/2020 đến hết tháng 9/2020 đạt 711 triệu USD. So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 tăng 16,6% và tháng 9/2020 tăng 20,3%.

Đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.

Mặt hàng gạo được đánh giá có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt trên 10,05 triệu USD tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm với giá trị là 1,4 tỷ Euro năm 2019. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.

“Đây là thị trường còn nhiều dư địa, dự báo xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19. Bộ NN và PTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Đồng thời, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU. Đảm bảo truy xuất nguồn gốc; các nhà máy chế biến, đóng gói gạo áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP; phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU, khẳng định chất lượng, tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế”, ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đối với hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay, mục tiêu tăng sản lượng lúa để đẩy mạnh xuất khẩu đã được thay thế bởi mục tiêu chất lượng “trên bàn ăn” và nhận diện xuất xứ đối với người tiêu dùng. Khối lượng gạo thơm xuất khẩu trong những năm gần đây chiếm khoảng 43% – 46% tổng lượng gạo xuất khẩu, đạt trên 3 triệu tấn.

Nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU tại hội thảo ngày 4/11. Nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU tại hội thảo ngày 4/11.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra cánh cửa vào thị trường EU cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng gạo Việt Nam nói riêng. Đối với sản phẩm từ gạo, EU cam kết đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm. Trong khi đó, hai nguồn cung lớn của EU trong nhiều năm qua là Campuchia và Miến Điện đang phải chịu thuế suất tuyệt đối cho đến hết năm 2021, cụ thể là 175 Euro/tấn (năm 2019); 150 Euro/tấn (năm 2020) và 125 Euro/tấn (năm 2021)…

Cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP về “Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu”. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo nói chung và các thương nhân xuất khẩu gạo nói riêng phải tự xây dựng vị thế riêng cho chính mình để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này. Các thương nhân nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.

Ông Daniel Dobrev – Tham tán kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam, tư vấn: Việt Nam cần tạo thêm các cụm ngành theo chiều ngang và chiều dọc để tiếp cận thị trường thế giới hiệu quả hơn. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn ở các nước EU về lợi ích của gạo Việt Nam; phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị, nhu cầu thị trường EU như bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp…; kết hợp với các sản phẩm khác của Việt Nam để quảng bá tại EU như gia vị, các loại hạt...

Sơn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo