Quang cảnh chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 9 với chủ đề “Thực trạng quản lý kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP”(Thanhuytphcm.vn) – Chợ truyền thống là mô hình có từ lâu đời, đã tạo nên những nét riêng, những yếu tố lịch sử; đặc biệt chợ là một phần không thể thiếu của người dân TP… Để chợ truyền thông tiếp tục phát triển cần quy hoạch phát triển và gắn với phát triển du lịch, phát triển các mô hình quản lý chợ văn minh thương mại;…Đó là những nội dung được các đại biểu trao đổi, bàn những giải pháp thực hiện trong Chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 9 với chủ đề “Thực trạng quản lý kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP” do HĐND TP phối hợp Đài Truyền hình TP tổ chức vào sáng 8/9.
Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng điều hành chương trình.
Chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng
Chợ truyền thống đã hình thành lâu đời, có mặt tại khắp các quận huyện trên địa bàn TP. Hiện nay trên địa bàn TP có 239 chợ truyền thống. Dù hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đã tạo nên những điểm mua sắm mới, hiện đại cạnh tranh trực tiếp với các chợ truyền thống. Tuy nhiên, chợ vẫn đóng vai trò quan trọng là một phần không thể thiếu của người dân TP đó là nơi khá gần gũi để người tiêu dùng đến tìm mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của mình.
Giám đốc Sở Công Thương TP Phạm Thành Kiên phát biểu tại chương trìnhGiám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương TP triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ chợ phát triển như phối hợp tổ chức nghiệp vụ quản lý cho ban quản lý, tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương; hỗ trợ tiểu thương vay vốn ngân hàng; triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc, thí điểm chợ an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, thời gian qua việc kêu gọi đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các chợ gặp nhiều khó khăn không thu hút bằng kêu gọi xây dựng trung tâm thương mại…
Một thực trạng nữa là đa phần các chợ truyền thống hình thành rất lâu và gần như chưa có các thủ tục pháp lý về môi trường. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, việc đầu tư cho các hạng mục môi trường để xử lý nước thải, khu lưu trú chứa rác thải tập trung hầu như chưa có. Theo thống kê của Sở, hiện chỉ có 10% chợ có pháp lý môi trường và có hệ thống xử lý chất thải, tập trung chủ yếu ở các chợ đầu mối và các chợ quy mô lớn được nâng cấp cải tạo như chợ Bình Tây.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại chương trìnhVề khối lượng rác thải phát sinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng hiện nay tại các chợ là khá lớn nhất là 3 chợ đầu mối với thành phần chủ yếu là rác hữu cơ. Qua giám sát, Sở nhận thấy các chợ đầu mối đảm bảo vệ sinh môi trường do được đầu tư đồng bộ và phần lớn các điểm tập kết tại các chợ cũng được kiểm soát. Bên cạnh đó, vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni lông hầu hết các chợ đều chưa quan tâm triển khai hiệu quả công tác này…
Phải đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp du lịch
Để chợ truyền thông tiếp tục khẳng định vị trí, thu hút được người dân đến mua sắm, các đại biểu đề nghị TP cần quy hoạch phát triển và quản lý chợ gắn với phát triển du lịch, định hướng chuyển đổi các mô hình quản lý chợ, trong đó có việc xây dựng mô hình quản lý chợ theo kiểu mới, phát triển các mô hình quản lý chợ văn minh thương mại; công tác quản lý nguồn hàng, ngành hàng, nhãn mác, thời hạn sử dụng của các sản phẩm bán tại các chợ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, cần có nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, an ninh trật tự; bãi giữ xe; trật tự lòng lề đường; cần giải quyết tình trạng buôn bán tự phát tại các khu vực xung quanh chợ…
Trưởng ban Kinh tế -Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết: Qua khảo sát nhiều chợ truyền thống có quá trình lịch sử hình thành, xây dựng lâu, gần 50 năm, đang xuống cấp, không đảm bảo an toàn tốt nhất cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện khó khăn chính là tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các chợ.
“Một số chợ thiếu công trình phụ trợ, thiếu tiện ích, không có nhà vệ sinh, không có bãi giữ xe, không có nơi giữ hàng hóa; một số nơi cũng chưa có nơi để tập kết rác, chưa có đầu tư xử lý hệ thống nước thải; kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng thực phẩm…nên người dân e ngại khi đến chợ” - Trưởng ban Kinh tế, ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước cho hay và mong rằng cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm xem xét, có hướng tháo gỡ để hoạt động kinh doanh của chợ đi vào văn minh, hiện đại.
Để thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong việc thu gom rác thải nhằm cải thiện môi trường tại các chợ trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh: Sở tiếp tục tuyên truyền bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu việc tiêu thụ và phân phối túi ni lông khó phân hủy tại các chợ; tăng cường giám sát vệ sinh môi trường tại các chợ, đặc biệt là chợ truyền thống, đảm bảo có thùng rác lưu chứa, không đổ rác thải ở trên đường, đảm bảo thời gian thu gom, tập kết rác đúng quy định. Bên cạnh đó, phối hợp Sở Công thương TP, các quận, huyện vận động giảm dần kinh doanh, phân phối sử dụng túi ni lông; thiết lập điểm phân phối túi thân thiện môi trường,…
Phó Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Huỳnh Thị Kim Cúc cho rằng để chợ truyền thống phát triển phải đảm bảo an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu. Vì vậy, các chợ cần tuyên truyền vận động tiểu thương hiểu, thực hiện đúng về an toàn thực phẩm; đồng thời cần kết hợp với các sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Giám đốc Sở Công Thương TP Phạm Thành Kiên nhấn mạnh: Trong thời gian tới TP tập trung về quy hoạch các chợ truyền thống, giảm dần các chợ ở trung tâm TPHCM, chỉ xây dựng chợ khi có nhu cầu thực sự của người dân. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác chợ đang hoạt động mà phù hợp quy hoạch; đồng thời sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành nghề để phát huy tối đa công suất của chợ.
Kết luận tại chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng cho rằng trong thời gian tới, để tháo gỡ, cũng như có hướng xử lý, khắc phục nhằm giúp các chợ truyền thống tiếp tục phát triển, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, các sở, ngành liên quan cần tăng cường xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát tại các khu vực xung quanh các chợ chưa được tập trung xử lý; chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, hợp tác xã chợ kiểu mới giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường đầu tư, sửa chữa, cải tạo chợ để có được những chợ sạch sẽ, khang trang. UBND các quận, huyện cần quan tâm hỗ trợ cho các tiểu thương hoạt động kinh doanh tại các chợ ngày càng phát triển, tiếp tục là điểm đến, sự lựa chọn tin tưởng, gần gũi, thân thiện của người dân TP.