Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước

Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948. (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia III).

(Thanhuytphcm.vn) - Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử, về ý nghĩa quan trọng của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam với những nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam, đem lại hiệu quả to lớn, thiết thực.

Ngày 27 tháng 3 năm 1948, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều…”. Đây là văn kiện đã khởi nguồn và mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc xác định mục đích của phong trào thi đua yêu nước là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để nhằm thực hiện “Hạnh phúc cho dân”.

Về nội dung thi đua, Lời kêu gọi chỉ rõ: “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ quân sự, kinh tế, cho đến chính trị, văn hóa. Đây là sự thể hiện tính toàn diện của cuộc kháng chiến, sâu xa hơn là tính toàn diện của sự nghiệp cách mạng.

Về cách làm, trong Lời kêu gọi, Hồ Chí Minh nêu phương châm: “dựa vào Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây Hạnh phúc cho dân”. Đó là sự kết hợp giữa huy động sức dân và bồi dưỡng sức dân, huy động sức dân, phát huy tinh thần và lực lượng của dân xét đến cùng là để mang lại hạnh phúc cho dân, thể hiện tính nhân văn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đi vào cách làm cụ thể, Lời kêu gọi nêu lên bổn phận của mỗi người dân yêu nước trong các hoạt động thực tiễn: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nhân và nông dân thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Tóm lại, tất cả mọi người Việt Nam, hễ là người yêu nước đều có trách nhiệm phải tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vì mục tiêu chung là kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ảnh tư liệu). Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi và hiệu quả. Trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; ở khắp các giới, các ngành, các cấp, đâu đâu cũng sục sôi phong trào thi đua yêu nước.

Không chỉ có Lời kêu gọi Thi đua ái quốc mà trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những yêu cầu cơ bản trong thi đua yêu nước. Tháng 10 năm 1948, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng "bàn giấy", "công chức hóa", cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả. Ngày 01 tháng 5 năm 1952, tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngày 12 tháng 02 năm 1965, tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc, Người phát biểu: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 -1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới như: Phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ, phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ", “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như: phong trào “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự chủ động sáng tạo và chất hào sảng, nghĩa tình của người dân nơi đây mà phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, mang tính đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội: phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” - Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh; phong trào “Thanh niên thành phố khởi nghiệp, lập nghiệp”; phong trào “Thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp”…

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân). Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân).

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc đến nay, trải qua 10 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước; các phong trào thi đua yêu nước tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, khơi dậy, động viên, lôi cuốn cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I: diễn ra từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 5 năm 1952 với hơn 150 đại biểu tham dự. Đại hội tuyên dương 07 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc.

Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ II: diễn ra từ ngày 07 đến ngày 08 tháng 7 năm 1958 với hơn 450 đại biểu tham dự. Đại hội tuyên dương 26 Anh hùng lao động và đề nghị Nhà nước tặng 618 Huân chương Lao động các hạng, 38 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

Đại hội đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa...

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ III: diễn ra từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 5 năm 1962. Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, đề nghị Nhà nước tặng thưởng 594 Huân chương Lao động, 27 Huân chương Chiến công các hạng.

Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV: diễn ra từ ngày 06 đến ngày 07 tháng 01 năm 1967 với trên 500 đại biểu tham dự. Đại hội tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V: diễn ta từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 01 năm 1986. Tham dự Đại hội có 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 chiến sĩ thi đua toàn quốc thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các địa phương, miền xuôi và miền ngược.

Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986-1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VI: diễn ra từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 11 năm 2000. Tham dự Đại hội có trên 900 đại biểu là Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Trong đó, có 407 tập thể và cá nhân anh hùng, 298 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 195 điển hình tiên tiến.

Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, của phong trào thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước; động viên, cổ vũ tinh thần thi đua, ý chí vươn lên nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII: diễn ra từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2005. Đại hội có hơn 1270 đại biểu tham dự được lựa chọn từ các hội nghị điển hình tiên tiến và đại hội thi đua của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước.

Đây là Đại hội có ý nghĩa quan trọng, đánh giá lại phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2001-2005; kiểm điểm việc triển khai thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến…

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII: diễn ta từ ngày 27 đến ngày 28 tháng 12 năm 2010. Đại hội có 1500 đại biểu tham dự, trong đó có 334 đại biểu là cá nhân, đại diện tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc được phong tặng trong giai đoạn 2006 - 2010; 995 điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Nội dung Đại hội gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”; đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong công cuộc đổi mới đất nước.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX: diễn ra từ ngày 06 đến ngày 07 tháng 12 năm 2015 với 1.800 đại biểu chính thức tham dự. Đại hội đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sỹ, gương điển hình và nhân tố tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2015.

Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: diễn ra từ ngày 09 đến ngày 10 tháng 12 năm 2020 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với 2.020 đại biểu chính thức tham dự.

Đại hội là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành quả quý báu trong suốt 72 năm qua. Với ý nghĩa động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Đại hội nhằm khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tạo khí thế và động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lời kêu gọi thi đua của Người không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn có giá trị chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo