Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ nói không với xin tăng trần nợ công

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình về quản lý nợ công

(Thanhuytphcm.vn) - Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên chất vấn sáng 16/11 là các giải pháp bảo đảm an toàn nợ công và chống thất thu thuế, chuyển giá của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chuyển giá làm thất thu ngân sách

Đề cập đến vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, làm thất thu ngân sách nhà nước, đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) chất vấn về giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Về pháp lý, năm 1995 Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Thời gian gần đây tiếp tục hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết và ban hành thông tư, dựa trên kinh nghiệm của OECD.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra.  Năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, truy thu truy hoàn thuế 1.310 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, hoàn thuế và phạt là 3.085 tỷ đồng, giảm lỗ 6.812 tỷ đồng, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để triển khai đồng bộ.

“Không phải đơn thuần là trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mới chuyển giá mà ngay từ khâu đầu tư, doanh nghiệp đã chuyển giá. Thiết bị, máy móc giá rẻ kê khai giá cao, đưa vào để sau này trích khấu hao. Trong quá trình sản xuất đầu vào kê khai cao giá, đầu ra giảm giá, chuyển giá”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích một số hành vi chuyển giá và cho biết từ khâu đăng ký đầu tư, đến triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh đều có thể triển khai chuyển giá nên cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành.

Đội vốn đầu tư, tác động xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế

Nợ công là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đưa ra thực tế nợ công hiện nay sát trần cho phép, rủi ro lớn, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề về những ảnh hưởng trong kiểm soát chi tiêu nợ công cũng như giải pháp quản lý rủi ro.

Còn đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận về việc “nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu”. Khi đầu tư công không hiệu quả sẽ gây thiệt hại kép. Nhà nước phải trả tiền gốc, tiền lãi, trả bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư không hiệu quả như trường hợp 12 dự án "đắp chiếu" vừa qua. Việc này gây đội vốn đầu tư, thất thoát ngân sách, tác động xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, chất lượng, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công, tuy nhiên đây là vấn đề quản lý Nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương. Trong nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang triển khai việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.

Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, có hơn 20.000 dự án, cả lớn lẫn nhỏ, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn. Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định sau đó được luật hóa lên thành Luật Đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách.

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư hợp lý.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, năm 2015, nợ công đã đến sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 50%, vượt trần cho phép… Đại hội Đảng XII đánh giá nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và xác định nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016- 2020. “Chúng ta đứng trước nhiệm vụ kép của năm 2016-2020, vừa đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết yếu kém nội tại của nền kinh tế tích tụ nhiều năm càng ngày càng bộc lộ rõ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong điều kiện chính sách tài khóa còn rất chật hẹp, kinh tế thế giới và khu vực cũng còn nhiều khó khăn, nhiều thành viên Chính phủ, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương, trình Quốc hội nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi đất nước còn nghèo, nhu cầu phát triển rất lớn… Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ bao gồm trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. “Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thông tin: Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại chi ngân sách để đảm bảo bền vững an toàn nợ công, trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nhóm giải pháp Chính phủ thực hiện từ nay đến năm 2020 được Phó Thủ tướng cho biết là kiên định phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu phát triển nhanh, bền vững.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một giải pháp nữa là cần tuyên truyền sâu rộng, tạo ý thức chấp hành nghĩa vụ của người nộp thuế, pháp luật quản lý nợ công. Tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước. Giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất. Tăng cường biện pháp để chống chuyển giá trong lĩnh vực FDI. Đối với thuế nội địa, tăng cường quản lý thuế đối với khu vực phi chính thức, thực hiện hóa đơn điện tử. Từng bước cơ cấu chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý nợ công. Tập trung cơ cấu lại cơ cấu nợ công, giảm vay nước ngoài, giảm nợ Chính phủ bảo lãnh.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo