PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân thông tin về tình hình đào tạo ngành Đông Nam Á học tại TPHCM, tại hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 23/4, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đông Nam Á - Những phương diện nghiên cứu liên ngành”, do Trường Đại học (ĐH) Mở TPHCM phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á tổ chức.
Hội thảo là một trong các hoạt động hướng đến kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967-8/8/2021), đồng thời kỷ niệm 30 năm đào tạo ngành Đông Nam Á học tại Trường ĐH Mở TPHCM (1991-2021).
Tại hội thảo, nhiều nội dung liên quan đến tình hình giảng dạy và đào tạo ngành Đông Nam Á học tại TPHCM, công tác đối ngoại của TPHCM với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch tại Đông Nam Á, cộng đồng ASEAN - cơ hội và thách thức phía trước,… đã được các chuyên gia thảo luận.
Nghiên cứu một số lý thuyết tiếp cận khi nghiên cứu Đông Nam Á, PGS.TS Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù cái tên Đông Nam Á ra đời khá muộn, song giới học giả trong và ngoài nước đều thừa nhận rằng đây là khu vực có đặc trưng riêng về mặt địa - sinh thái, lịch sử - văn hóa, cũng như về mặt chiến lược hiện đại. Đông Nam Á là khu vực có nền văn minh xuất hiện sớm. Ở Đông Nam Á, trước khi có sự xâm nhập của văn hóa Ấn, Hoa, đã từng tồn tại một truyền thống văn hóa bản địa lấy nông nghiệp lúa nước làm nền tảng với sự phụ trợ đắc lực của nghề biển và đã đạt đến một trình độ phát triển khá cao.
Thông tin về tình hình giảng dạy và đào tạo ngành Đông Nam Á học, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TPHCM cho hay, ở TPHCM hiện nay có khá nhiều trường ĐH đào tạo các chuyên ngành có liên quan về Đông Nam Á. Tuy nhiên, gần như mới chỉ có duy nhất Trường ĐH Mở TPHCM là cơ sở đào tạo và cấp bằng Đông Nam Á học. Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, để các trường ĐH có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về ngành học này, cần có sự chuẩn hóa chương trình đào tạo về Đông Nam Á học trong hệ thống các trường ĐH tại Việt Nam cũng như các nước ASEAN. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề mới về Đông Nam Á, có cơ chế trao đổi giảng viên, liên kết xây dựng giáo trình…
Theo các học giả, Việt Nam với tư cách là một bộ phận của Đông Nam Á, được coi là “Đông Nam Á thu nhỏ”, nghiên cứu Đông Nam Á góp phần làm sáng tỏ Việt Nam hơn, hiểu rõ Việt Nam hơn. Đồng thời, nghiên cứu Việt Nam phải có cái nhìn tham chiếu với khu vực, rộng ra là thế giới mới có thể đánh giá một cách thấu đáo. Các nhà khoa học cũng cho rằng, nghiên cứu liên ngành không thể tách rời các nghiên cứu chuyên ngành. Kết hợp các cách tiếp cận địa - sinh thái, địa - chính trị, địa - văn hóa, địa - lịch sử, địa - nhân văn, địa - kinh tế sẽ đem lại những góc nhìn đa chiều về Đông Nam Á. Từ đó, bản sắc của Đông Nam Á với tính “thống nhất trong đa dạng” được sáng tỏ hơn ở cả chiều rộng và chiều sâu.