Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX:

Cần xử lý nghiêm hành vi xả rác

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết (Quận 3) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải, Kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018; chương trình hoạt động giám sát năm 2019 của HĐND TP. Tại buổi thảo luận, một trong những vấn đề “nóng” mang tính dân sinh được các đại biểu (ĐB) đặt ra cho các sở, ngành giải quyết đó là vấn đề xả rác.

“Nóng” vấn đề xả rác

Từ câu chuyện của công nhân Ngô Chí Hùng, thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP chia sẻ trong chương trình lắng nghe và trao đổi diễn ra ngày 1/7 vừa qua, tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đã đề nghị các cấp chính quyền TP có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các hành vi xả rác nơi công cộng để hạn chế tình trạng tắc nghẽn dòng chảy ở cống thoát nước, cũng như giảm bớt nỗi cực nhọc cho những công nhân vệ sinh.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu

Đại biểu Trần Thanh Trí (Quận 12) cho biết: Về vấn đề rác thải ở các khu dân cư, hiện nay việc thu gom rác đã có nhưng chưa tốt lắm. Đặc biệt, một số loại rác lớn như chai lọ, bàn ghế, chăn, ra, gối…, khi thu gom rác các nhân viên của tổ thu gom không lấy loại rác này vì không phải là rác sinh hoạt nên người dân tìm cách đưa đến khu vực vắng để bỏ. Cụ thể, ở Quận 12, những khu vực trống dọc theo bờ sông rất nhiều người dân đem rác thải này lén đổ và xem là chuyện bình thường. Nếu tổ dân phố, dân quân, thậm chí công an có bắt gặp cũng không xử lý được. “Nếu chúng ta cứ ngồi nói vấn đề xả rác thì từ HĐND TP khóa VIII, IX, thậm chí đến khóa X, XI sắp tới chắc chắn tiếp tục cũng là rác xuống cống và công nhân thoát nước đô thị lại chui xuống cống moi rác lên. Có lẽ là 5, 10, 20 năm nữa thì rác cũng là rác vậy thôi, chứ chúng ta không xử lý được gì. Bởi vì, hiện nay chưa có cơ quan chức năng, chưa có đơn vị nào xử lý và có xử lý thì chỉ phạt hành chính” - ĐB Trần Thanh Trí nói.

Cũng đề cập đến hành vi xả rác của người dân trên địa bàn TP, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) bày tỏ sự bức xúc: “Vấn đề rác thải chung quy lại là vấn đề ý thức. Vậy tại sao ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân. Tôi cho rằng, lỗi của người dân một thì lỗi của cơ quan quản lý mười. Bởi vì, luật pháp đã có nhưng tại sao không áp dụng được và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm và tôi có cảm tưởng như chúng ta triển khai theo phong trào nên chưa quyết liệt. Vì vậy, cần nghiêm túc nhìn vào trách nhiệm quản lý của mình để có biện pháp phù hợp và hiệu quả hơn”.

Ở một góc độ khác, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết (Quận 3) đề nghị, TP cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho vấn đề xử lý rác. Cụ thể, TP cần giáo dục cho người dân, học sinh, sinh viên tại những nơi công cộng nhằm tăng cường ý thức cho người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phân loại rác tại nguồn như ở những nơi công cộng có những thùng rác khác nhau. Cần có đội xử lý và thực hiện việc xử lý nghiêm hành vi xả rác nơi công cộng.

Tạo phong trào làm sạch TP

Trước những vấn đề ĐB đặt ra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: Liên quan vấn đề rác thải nơi công cộng, Sở nhận trách nhiệm trong việc tham mưu cho TP. Hiện nay, rác thải nơi công công trên địa bàn TP là khoảng 2.300 tấn/ngày, chiếm 27% tổng lượng rác thải của TP. Nếu lượng rác thải này không được tổ chức thu gom và xử lý triệt để sẽ là nguồn ô nhiễm, có thể trôi xuống cống, kênh, rạch,…

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng, việc tập trung xử lý rác thải nơi công cộng là vấn đề TP đã đặt ra rất nhiều, theo ông Thắng, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền, giải thích thì phải có biện pháp xử lý. Cụ thể, trước đây theo Nghị định 179 của Chính phủ, hành vi cố tình xả rác nơi công cộng có mức xử phạt thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 700.000 đồng. Hiện nay, Nghị định 155 của Chính phủ điều chỉnh lại với mức xử phạt thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 7 triệu đồng; trong đó thẩm quyền được giao về cho các cấp từ cơ sở đến ngành tài nguyên - môi trường. Nhưng để có thể giám sát, kiểm tra và xử lý các hành vi đó thì phải có các giải pháp như gắn kết hệ thống camera giám sát của TP để các lực lượng căn cứ vào đó xác lập hành vi và xử lý. Bên cạnh đó, ngành tài nguyên - môi trường TP tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, cử tri để trong giải pháp tham mưu cho TP, đặc biệt là đối với lực lượng có thẩm quyền xử lý có thể xin mở rộng ra, cũng như lực lượng giám sát cung cấp cho lực lượng có thẩm quyền xử lý. 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng phát biểu ý kiến tại kỳ họp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng phát biểu ý kiến tại kỳ họp

Cùng tham gia giải trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường cho biết: Hiện nay, hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn TP với tổng chiều dài đang quản lý và phân cấp khoảng 4.176km cống thoát nước; trong đó có khoảng 68.000 cửa thu nước và trên 1.000 cửa xả cho hệ thống thoát nước, chưa tính hệ thống kênh, mương phục vụ thoát nước. Trong đó, chủ yếu phân cấp khoảng 35% giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, còn lại phân cấp cho UBND các quận, huyện để duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước đô thị.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường, có 5 bước vệ sinh, bảo đảo vấn đề thoát nước gắn với xử lý, thu gom rác gồm: Kiểm soát nguồn rác thải ra; vệ sinh mặt đường, vỉa hè; kiểm soát không cho rác đi xuống miệng thu, hố ga, lòng cống; nạo vét; xử lý.

Với các cửa xả, qua nhiều thời kỳ và mẫu thiết kế, trên địa bàn TP vẫn xảy ra tình trạng để rác, đất xuống cửa xả, hố ga, không ngăn được mùi. Vừa qua, UBND TP có triển khai thí điểm trên địa bàn quận, huyện ứng dụng một số công nghệ, nắp hố ga mới để ngăn mùi, ngăn rác và đang đánh giá để triển khai đại trà, bố trí nguồn vốn hợp lý nhằm thay dần số cửa xả này. 

Theo ông Bùi Xuân Cường, để giải quyết bài toán xử lý rác thải, phải tính phương án đưa khoa học công nghệ vào, mở rộng quy mô duy tu. Đồng thời, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát nguồn xả rác ra và tạo phong trào làm sạch TP.

Tham gia ý kiến tại phần giải trình, Giám đốc Sở Tài Chính TP Phan Thị Thắng cho biết: Ngân sách TP cấp cho duy tu thoát nước trung bình 1 năm trên 1.132 tỷ đồng. Đối với công tác xử lý, vận chuyển rác, TP cung cấp cho 2.848 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm TP chi cho 2 khoản duy tu thoát nước và xử lý rác gần 4.000 tỷ đồng
Đình Lý - Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo