Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần xây dựng chuỗi liên kết cung ứng, mở rộng thị trường kết nối nông sản

Quang cảnh Chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 7.

(Thanhuytphcm.vn) - Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngoại thành của TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, nông nghiệp TP đã và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: diện tích đất canh tác bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa nhanh; thiên tai, dịch bệnh... Đó là những nội dung được đưa ra trong chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 7 năm 2020 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp đô thị TPHCM: Thực trạng và giải pháp” do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng 19/7. Đến dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Phạm Đức Hải. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước điều hành chương trình.

Khoảng cách thu nhập nông thôn, thành thị ngày càng thu hẹp

Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPT-NT) TPHCM Dương Đức Trọng cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị TP, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng, nhiều sản phẩm cây trồng vật nuôi chất lượng cao tăng lên, giảm các loại cây con có năng suất thấp, chất lượng kém như lúa, mía.

Bên cạnh đó, phát triển công nghệ giống, trở thành trung tâm hàng đầu với 12 giống lan được cấp bằng bảo hộ, nhiều tiến bộ kỹ thuật được công nhận. Thu nhập bình quân của nông dân ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2011, bình quân thu nhập khu vực nông thôn là 25 triệu/năm. Đến năm 2019 đạt 63 triệu/năm, tăng hơn 2,5 lần. Khoảng cách thu nhập nông thôn, thành thị ngày càng thu hẹp, từ 68% lên 73% so với thành thị trong cùng thời gian trên.

Đồng thời, số lượng và chất lượng các HTX nông nghiệp ngày càng tăng. Đến 2020 đã có 130 HTX nông nghiệp được thành lập, gần 50% hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún là cản trở lớn để phát triển nông nghiệp đô thị TP. Việc mở rộng các khu nông nghiệp công nghệ cao chậm tiến độ ở Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh. Việc đầu tư các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp như nhà lưới, nhà màng, nhà sơ chế trên đất nông nghiệp đang gặp khó khăn về pháp lý; vướng mắc lớn ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Về tiêu thụ, mặc dù TP đã tổ chức nhiều phiên chợ nông sản an toàn, nhưng công tác tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn người dân e ngại,…

Theo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Hoàng Tùng, thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị của TP, Nhà Bè đã cơ cấu lại, nuôi tôm nước lợ, có 268 hộ 379ha trên tổng số khoảng 400ha đất canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để chuyển đổi sản xuất. Từ 2010 đến nay đã hỗ trợ 41 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã hỗ trợ 7,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Hoàng Tùng cũng thừa nhận cũng có nhiều thách thức khi huyện giáp ranh với vùng phát triển đô thị sôi động, khó khăn trong xây dựng các công trình phụ trợ. Thời gian tới, định hướng huyện trở thành quận từ nay đến 2030, nhưng quá trình đó cũng cần xem xét chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là khai thác các diện tích đất trống trong thời gian chờ phát triển đô thị.

Tại chương trình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình cho biết: Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp TPHCM đã ứng dụng khoa học – công nghệ, trong sản xuất sản phẩm đạt chất lượng Việt Gap, cùng giúp nhau phát triển bền vững. Nhiều mô hình hợp tác xã, kinh tế tập thể thành công tạo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ…

Qua khảo sát của Ban Kinh tế, Ngân sách HĐND TP, một số doanh nghiệp ngành nông nghiệp TP cho rằng hiện nay vướng do các quy định pháp luật về đất đai nên không thể xây dựng các công trình phụ trợ, nhà màng, nhà lưới phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hơn nữa, kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi vay chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực; còn những dự án phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao chậm triển khai.

Phấn đấu thu nhập khu vực nông thôn đạt 100 triệu đồng/người/năm

Tại chương trình, một số đại biểu đề xuất TP cần hướng dẫn cho nông dân trong các dự án quy hoạch, chưa có quyết định đầu tư được chuyển mục đích từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác để có thể sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ngân hàng khi duyệt các phương án vay cho nông dân cần đưa nhà màng, nhà lưới, hình thành trong tương lai,  để xem là tài sản thế chấp để vay được nhiều hơn.

Trưởng Ban Quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM Đinh Minh Hiệp cho biết: Thời gian tới, Ban quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP sẽ tiến hành lai tạo giống phục vụ bà con nông dân. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần lâu dài, vốn lớn. Do vậy cần được hỗ trợ của các ngành chức năng của TP. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ bản quyền nguồn gen, hướng tới xuất khẩu thì nguồn giống phải rõ ràng. Đồng thời, việc kết nối các doanh nghiệp, HTX, trang trại cần được quan tâm đầu tư.

Phó Giám đốc Sở NNPT-NT TPHCM Dương Đức Trọng cho biết: định hướng nông nghiệp TPHCM là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung phát triển 5 nhóm chủ lực. TP đã xác định vai trò trung tâm là giống cây, giống con chất lượng cao cung cấp cho TP và các tỉnh. Mục tiêu phát triển nông nghiệp của TP đến năm 2025, TP phát triển 2-3 khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị 900 triệu đồng/ha/năm. Phấn đấu thu nhập khu vực nông thôn đạt  100 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nông dân trở thành thành viên của HTX đạt tối thiểu 20%.

Về chính sách hỗ trợ phát triển đô thị, Sở NNPT-NT TPHCM tiếp thu nghiên cứu, bổ sung, tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP ban hành chính hỗ trợ cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với các nội dung nâng mức hỗ trợ từ 60% lên 100% lãi suất hỗ trợ vay. Chính sách khuyến khích chuyển đổi đất đai; chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng… cho các doanh nghiệp, HTX theo hình thức tín chấp và thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai của dự án…

Về mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao, Sở NNPT-NT TPHCM sẽ phối hợp Ban quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ cao tập trung giống cây, giống con…

Kết luận tại chương trình, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước cho rằng TP cần có giải pháp tập trung quyết liệt hơn để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong thời gian tới. Cụ thể, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng chuyên canh để phát nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ thủ tục pháp lý để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ công nghệ cao. Cần xây dựng chuỗi liên kết cung ứng, mở rộng thị trường kết nối nông sản.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước hy vọng những giải pháp mà các sở, ban ngành TP vừa chia sẻ sẽ giúp bà con cử tri hiểu và sẽ từng bước giải quyết những vướng mắc này. HĐND TP sẽ giám sát những nội dung của các sở ngành đã hứa với người dân và cử tri TPHCM.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo