Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần phân loại các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, tránh trùng lắp

ĐB Trần Thị Diệu Thúy.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 23/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Tại tổ TPHCM, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị Chính phủ đánh giá sâu thêm hiện trạng của 2 chương trình này. Thực tế, dịch Covid-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao, khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, những người nghèo càng khó khăn hơn. Nhiều người không chỉ mất việc làm, mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ. Nhiều doanh nghiệp cũng không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, với tình hình khó khăn hiện nay, việc đề ra một số chỉ tiêu trong 2 chương trình này là kém tính khả thi.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất cần phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động; một người lao động phải “gánh” quá nhiều nhân khẩu; có sức lao động, nhưng không làm việc; có thể lao động, nhưng mất việc...). Từ đó có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững mà trong đó, đào tạo lao động là một trong những giải pháp quan trọng, giúp người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm những công việc cho thu nhập ổn định tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng.

Tại tổ ĐBQH TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần phân nhóm để có giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo hiệu quả hơn. Lần này phải làm khác một chút, là có những hộ không thể thoát được nghèo, do khuyết tật, do không có năng lực lao động, gia đình neo đơn, già yếu… Nếu cứ để mãi trong chương trình này thì có hỗ trợ thế nào họ cũng không thoát nghèo được. Do đó, cần phải chuyển nhóm đối tượng này sang các chương trình khác với các giải pháp hỗ trợ khác.

Theo đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Hà Tĩnh), trong chương trình giảm nghèo, cần đánh giá xem đối tượng nghèo nào hoàn toàn không có khả năng lao động, không có khả năng tự thoát nghèo thì phải phân loại thành nhóm xếp riêng để có giải pháp hỗ trợ đặc biệt. Đối tượng nào có khả năng lao động thì cũng cần rõ hỗ trợ cái gì: việc làm, vốn, đất đai..

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) đề nghị trong quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng NTM với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững. Hiện nay, chất lượng quy hoạch nông thôn mới cấp xã, kể cả cấp huyện, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Nhiều nơi quy hoạch đồ sộ, tạo sự lãng phí đầu tư. Quy hoạch xã NTM chưa gắn với tốc độ đô thị hóa, dẫn đến lãng phí trong đầu tư. Đa số địa phương quan tâm đến tiêu chí hạ tầng cơ sở còn các tiêu chí khác như môi trường, đời sống văn hóa, an ninh trật tự rất ít được quan tâm. Thậm chí ngay cả tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, đó là tiêu chí tổ chức sản xuất thì rất ít địa phương có giải pháp đột phá có được hiệu quả.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Chương trình NTM cần tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Xây dựng NTM trước hết là ở nông nghiệp, phải tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, xây dựng NTM là nền tảng và nông dân là chủ thể. Xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo