Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần có thêm thời gian để hoàn thiện dự án Luật Tố cáo

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng tố cáo nặc danh không nhiều, lợi dụng là chính

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 16/6, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Tán thành với quan điểm sửa đổi Luật để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, song, các đại biểu cho rằng dự án Luật có những nội dung quy định còn đơn giản, sơ lược, việc đánh giá tác động còn chung chung, chưa thật sâu sắc... Có ý kiến nhận định chất lượng dự án Luật thấp, không đảm bảo yêu cầu cả về nội dung và hình thức, cần có thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện mới bảo đảm. Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội dành thời gian xem xét thông qua dự án Luật này theo quy trình 3 kỳ họp...

Tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo

Một vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm, đó là quy định về tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo). Nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, nhiều đại biểu đồng tình chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), thời gian qua, tố cáo nặc danh không  nhiều, lợi dụng là chính. Đặc biệt, nếu chấp nhận hình thức tố cáo nặc danh sẽ không giải quyết được quy trình liên quan đến trách nhiệm người tố cáo.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thực tế có không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng, về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Một số ý kiến cho rằng, với những thư nặc danh có cơ sở, cần coi như một nguồn tài liệu và giải quyết theo trình tự, thủ tục của Luật thanh tra.

Bảo vệ người tố cáo

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận, việc trù dập người tố cáo là có thật, cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa đi vào cuộc sống, người tố cáo sợ liên lụy đến người thân thích nên không dám đứng tên tố cáo. Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, tố cáo là thực hiện quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định, nên cần tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình, cũng là xây dựng nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh. Nếu vịn vào lý do nặc danh mà không xem xét là rất khó. Có thể không xem xét đơn tố cáo nặc danh nhưng cũng là cách đánh động với người bị tố cáo. Tố cáo nặc danh mà có căn cứ thì cũng phải thẩm tra.

Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), dự thảo Luật quy định không giải quyết đơn thư nặc danh, nhưng trong Điều 22 lại lượng tính: trong trường hợp không xác định được danh tính, địa chỉ của người tố cáo hoặc nội dung tố cáo không rõ, các thông tin, tài liệu, bằng chứng không rõ về hành vi vi phạm, người vi phạm thì lưu đơn và lưu trữ thông tin phục vụ cho yêu cầu quản lý. Đặt câu hỏi trong trường hợp rõ danh tính thì có làm không?, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng trả lời luôn câu hỏi này có thể làm cũng được, không làm cũng được, nên nhiều đại biểu phân vân. “Vì vậy, nên mở rộng ra cho dân được quyền tố cáo, có như vậy mới chống được các hành vi vi phạm", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thẳng thắn.

Nhìn nhận chế định bảo vệ người tố cáo không đầy đủ và nhiều khiếm khuyết, một loạt câu hỏi được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đặt ra: bảo vệ tính mạng sức khỏe, uy tín của người tố cáo tại nơi cư trú có được đặt ra hay không? Bảo vệ người cung cấp thông tin liên quan đến việc tố cáo cho người tố cáo không? Ai ra quyết định bảo vệ?... Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị, tiếp tục chỉnh sửa lại nội dung bảo vệ người tố cáo một cách đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) góp ý về việc bảo vệ người tố cáo Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) góp ý về việc bảo vệ người tố cáo

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) nêu ý kiến trong thực tế, nhiều trường hợp người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo không phải là người thân thích của người tố cáo mà chỉ là bạn bè, đồng nghiệp hàng xóm. Như vậy những người này theo quy định của Điểm b Khoản 2 Điều 11 cũng được áp dụng những biện pháp được bảo vệ. Tuy nhiên, toàn bộ Chương 6 về bảo vệ người tố cáo lại không có quy định nào bảo vệ cho đối tượng này. “Thực tế những người cung cấp thông tin liên quan cũng có khả năng bị đe dọa trù dập thì họ có được bảo vệ hay không” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà bày tỏ băn khoăn.          

* Trước đó, với 80,86% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với 10 Chương, 87 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Thanh Vân

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo