Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Cần có chính sách phù hợp để phát triển kinh tế tuần hoàn

Các đại biểu tham dự hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 2/6, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn (KTTH): Kinh nghiệm thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam”.

Hội thảo nhằm trao đổi về thực trạng, xu hướng và ứng dụng của KTTH trên thế giới và Việt Nam. Theo các chuyên gia, nền kinh tế thế giới hiện đang đối mặt với những thách thức to lớn như: sự gia tăng nhu cầu về nguồn nguyên liệu nhất là nguyên liệu thô; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và khắc nghiệt hơn; rác thải (nhựa) đã trở thành vấn nạn lớn về môi trường trên phạm vi toàn cầu... Việc chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH - là mô hình kinh tế phát triển theo hướng bền vững, góp phần giải quyết các thách thức này. Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường), kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các thiết kế chủ động. Bản chất của KTTH là bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên. Cùng với đó, tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên; nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống. KTTH không chỉ tạo ra lợi ích về kinh tế mà còn tạo ra việc và giảm phát khí thải nhà kính. Một số nước tại châu Âu đã phát triển mô hình KTTH từ khá lâu và đã đạt được kết quá rất tốt về kinh tế, xã hội, môi trường.

Tại Việt Nam, đã có những chính sách liên quan đến KTTH và đã có một số mô hình liên quan đến KTTH như: sáng kiến không xả rác ra thiên nhiên, tái chế biến bao bì, chế biến  phụ phẩm thủy sản… Tuy nhiên, một số mô hình liên quan đến KTTH hiện nay còn hạn chế, trong đó việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng về kinh tế. Bên cạnh đó, còn chưa thực hiện một vòng đầy đủ 4 khâu của kinh tế tuần hoàn (sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, biến chất thải trở lại thành tài nguyên), đặc biệt khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ những kinh nghiệm về triển khai mô hình KTTH trên thế giới. Một số ý kiến cho rằng, để phát triển KTTH cùng với các chính sách phù hợp cần có sự hưởng ứng tích cực của tất cả các bên liên quan. Việc áp dụng mô hình KTTH phải được áp dụng cho sát với điều kiện của từng quốc gia.

Đan Như


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo