Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần cơ chế chính sách đặc thù để TPHCM phát triển nhanh, bền vững

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) – TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 – NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Tuy nhiên, TPHCM cần cơ chế chính sách đặc thù để TP phát triển nhanh, bền vững vì cả nước theo tinh thần Nghị quyết này. Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X khai mạc ngày 18/8.

Tăng trưởng cao nhờ TP có nhiều lợi thế

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 – NQ/TW, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP được cải thiện, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; TP đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước có hiệu quả, thu ngân sách từng bước vững chắc hơn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý và kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần phát triển TP theo hướng đa trung tâm, với các đô thị vệ tinh; cơ chế xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, văn hóa – xã hội được phát huy, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách.

Đáng chú ý, thu ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng giai đoạn 2011 – 2015 đạt 103,22% so với chỉ tiêu trung ương giao, tăng gấp đôi giai đoạn 2006 – 2010. TP đã hoàn thành giai đoạn 4 Chương trình “giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” trước thời hạn.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, kinh tế TP tăng trưởng cao nhờ TP có nhiều lợi thế, trong đó có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 99% GDP của TPHCM. TP có lợi thế lực lượng lao động quy mô lớn và chất lượng cao với dân số 9% cả nước, số người có trình độ đại học, cao đẳng chiếm hơn 20%, gấp 3 lần so với trung bình cả nước. TP đã phát huy được sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp (năm 2016, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở TPHCM chiếm gần 34% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước và bình quân 52,6 người dân TPHCM có 1 doanh nghiệp, bằng 3,7 lần so với cả nước).

Ngoài ra, TP đã phát huy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và năm 2016, khu vực kinh tế này đã chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế TPHCM với 52,7%. Cùng hệ thống các chương trình, giải pháp sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động của TP cao nhất cả nước. Trong giai đoạn 2010 - 2016, năng suất lao động của TPHCM gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước và năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước TPHCM gấp 1,5 lần cả nước.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định: Những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đối với hệ thống chính trị góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. TP cũng đẩy mạnh cải cách hành chính; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát triển theo tinh thần Nghị quyết 16 NQ/TW.

4 đề xuất để TP phát triển nhanh, bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Trình bày dự thảo về Cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM để TP phát triển nhanh, bền vững vì cả nước theo Nghị quyết 16 – NQ/TW, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đang đứng trước các thách thức kinh tế - xã hội rất lớn. TPHCM là địa phương có tỷ lệ nộp thu ngân sách về Trung ương cao nhất cả nước (khoảng 80% tổng thu từ địa bàn), song có mức chi ngân sách quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Dự thảo nêu rõ, dân số TP chiếm 9,1% dân số cả nước, thu ngân sách đóng góp 27,8% tổng thu ngân sách cả nước, chi ngân sách bằng 4,8% tổng chi ngân sách cả nước (cho các địa phương) rõ ràng không phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư cho phát triển tương xứng với đóng góp và quy mô dân số của TPHCM trong hiện tại để TP có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho ngân sách chung cả nước trong tương lai. Thực tế việc để lại nguồn thu ngân sách như hiện nay cho TPHCM không thể tạo điều kiện để phát triển nhanh, bền vững, mà làm cho các ách tắc của TP (giao thông, ngập nước, trường học, bệnh viện…) ngày càng khó giải quyết hơn. Trong khi qui mô dân số ngày càng tăng, TPHCM đã bị quá tải và lạc hậu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù vẫn dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực qua 30 năm tích lũy, song những năm gần đây TPHCM ngày càng tụt hậu so với các tỉnh, TP khác trong thu hút vốn FDI. Phải chăng TPHCM đánh mất vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu vì TPHCM trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do quỹ đất không còn, chi phí thuê đất cao, hạ tầng giao thông quá tải, năng lực cạnh tranh chậm cải thiện?

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ, vì vậy cần đầu tư rất lớn để xây dựng hệ thống đê bao tổng thể toàn TP và từng vùng ven sông… Bên cạnh đó, TPHCM đang phát triển dưới mức tiềm năng của TP và chưa phát huy hết vai trò với cả nước. Cụ thể, cơ cấu kinh tế của TPHCM là dịch vụ - công nghiệp chiếm hơn 99% và nông nghiệp chiếm dưới 1%, song quỹ đất dành cho dịch vụ và công nghiệp chỉ chiếm 6,8%, còn đất dành cho nông nghiệp chiếm hơn 55%. Vì vậy, TPHCM không có điều kiện để phát triển các Khu công nghiệp, Khu chế xuất với diện tích đất lớn, hạ tầng sẵn sàng, giá thuê đất tương đối thấp để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu đất cho phát triển công nghiệp sẵn sàng thì có lẽ tốc độ tăng trưởng công nghiệp của TPHCM ở mức 2 con số.

Một góc trung tâm TPHCM Một góc trung tâm TPHCM

Từ thực trạng trên, Thành ủy TPHCM đề xuất với trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP để TP phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước theo Nghị quyết 16 – NQ/TW với 4 nội dung, trong đó đề xuất Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM thực hiện một số quyền hạn, trách nhiệm của mình phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định pháp luật khác và đặc thù của TPHCM để việc thực hiện các quyền hạn, trách nhiệm đó hiệu quả hơn. Cùng với đó, TPHCM xin được thực hiện tự chủ về tài chính, được đảm bảo mức ngân sách với tỷ lệ trong tổng chi ngân sách dành cho các địa phương như tỷ tệ dân số của TP trong tổng dân số cả nước, chịu trách nhiệm đóng góp vào ngân sách cả nước cao gấp 3 lần tỷ lệ dân số và thực hiện vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế của vùng và cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về thuế và các khoản thu theo quy định của Quốc hội, Chính phủ. Quốc hội phê duyệt ngân sách TPHCM theo nguyên tắc tỷ lệ chi ngân sách của TPHCM trong tổng chi ngân sách cả nước bằng tỷ lệ dân số TPHCM so với dân số cả nước (hiện nay khoảng 9%). TPHCM cam kết phấn đấu để tăng trưởng GRDP của TP cao hơn 1,3 lần bình quân cả nước (nếu tính theo GDP như các năm trước là 1,5 lần), năng suất lao động cao hơn 2,7 lần năng suất bình quân cả nước.

Cùng với đề xuất cơ chế được tự chủ về biên chế của bộ máy hành chính và thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, theo đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, các cấp chính quyền TP và quy mô, tính chất, đối tượng được phục vụ, UBND TP được quyền quyết định biên chế của các cấp và các đơn vị trực thuộc, theo nguyên tắc năng suất lao động của cán bộ, công chức TP cao hơn ít nhất 1,5 lần bình quân cả nước; TPHCM đề xuất thành lập ban Chỉ đạo phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng TPHCM do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng TPHCM do Chủ tịch UBND TPHCM là Chủ tịch Hội đồng.

Nguyễn Nam – Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo