Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngày 30/10.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh là: Văn kiện Đại hội phải có tầm nhìn chiến lược, diễn đạt phải chặt chẽ, chắc chắn, rõ ràng. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra…

Nhiều ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài góp ý tại hội nghị thực sự rất thẳng thắn, tâm huyết. GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, công cuộc đổi mới đã diễn ra từ năm 1986 đến nay, bây giờ phải có điểm gì mới, còn nếu chỉ vận dụng các quan điểm cũ ấy thì công cuộc đổi mới sẽ khó. Theo ông, đến nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, do đó khó chống được tham nhũng. Chúng ta chống tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng thì chưa thay đổi được, vì thế chúng ta chỉ giải quyết hệ quả chứ chưa giải quyết được nguồn gốc…

Nhiều ý kiến góp ý về vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ ra, hiện nay, nhân loại đang hàng ngày phải đối diện với khủng hoảng, thách thức nghiêm trọng về môi trường và biến đôi khí hậu như thiên tai lũ lụt, sóng thần hạn hán, động đất. Dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19 cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. “Đó là hậu quả của hành động phá hủy môi trường và tốc độ gia tăng biến đổi khí hậu. Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bão lũ miền Trung trong mấy ngày qua chính là hậu quả của vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. “Do đó, Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII cần phải đặc biệt đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nếu không, hệ lụy của nó có thể làm tiêu tan những thành quả mà con người đã dày công xây dựng”, Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu.

Đồng chí Trương Thị Mai. Đồng chí Trương Thị Mai.

Mặt khác, Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng nhấn mạnh, cần xác định tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước. Theo Thượng tọa, tôn giáo, tín ngưỡng là một thành tố của văn hóa. Tôn giáo, tín ngưỡng làm nên sự đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống và cũng có thể nói tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc. “Thực tế chỉ ra rằng, cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp và hệ thống pháp luật của nhà nước ta luôn luôn đề cao quyền con người và khẳng định quyền tự do tôn giáo”, Thượng tọa Thích Đức Thiện góp ý. 

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII hầu như không nhắc gì đến vai trò hay sự đóng góp của khoa học xã hội (KHXH). “Nếu KHXH chưa làm tốt vai trò của mình thì dự thảo báo cáo phải chỉ ra, thậm chí phê bình. Một số điểm hạn chế về khoa học công nghệ được nhắc đến ở trang 12 về thực chất chỉ nói đến khoa học tự nhiên và công nghệ mà không hề nhắc đến KHXH”, bà Khuất Thu Hồng nhận xét. Dự thảo cũng chủ yếu là giải pháp để phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ mà không nhắc đến KHXH. Trong khi đó, nếu thiếu quan tâm đầu tư phát triển KHXH sẽ khiến KHXH trở nên èo uột, thiếu năng lực trong việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng các lý luận nền tảng định hướng cho các chính sách phát triển xã hội và con người, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nền giáo dục thực sự khai phóng, phát huy tiềm năng của con người... Tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế và khoa học tự nhiên, công nghệ mà coi nhẹ phát triển KHXH sẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh trong một giai đoạn nhất định nhưng không bền vững. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm xảy ra trong thời gian vừa qua phần nào phản ánh việc KHXH chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình và điều đó phản ánh sự thiếu quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ làm KHXH…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận khẳng định Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chuyển cho Tiểu ban Văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo