Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TPHCM cung ứng đủ thuốc cho việc điều trị bệnh nhân

Các đại biểu tham dự buổi họp báo. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. Các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP chủ trì buổi họp báo.

TP cần thêm trên 1,8 triệu liều vaccine

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 16/9, có 321.358 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 320.882 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 40.888 bệnh nhân, trong đó có 3.145 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/9 có 3.287 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 164.294), 166 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 12.934).

Liên quan đến công tác điều trị, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, thời điểm hiện nay, các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TPHCM cung ứng đủ thuốc cho việc điều trị bệnh nhân. Số ca tử vong đang có xu hướng giảm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, ở tầng 2 và 3, tình hình điều trị so với năng lực có hướng chuyển hướng tốt. Số bệnh nhân/số giường khoảng 69,8%. Cụ thể, có 59.150 giường, số bệnh nhân được điều trị là 41.297 người. Ở tầng 2 tỷ lệ là 69,2% và tầng 3 là 77,5%. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị ca nặng còn khá cao, nên số tử vong giảm nhưng không quá lạc quan. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị còn cao, đặc biệt tầng 3 đã sử dụng đến 69,1% số máy xâm lấn và 65,5% số máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện đã sử dụng 76,7% số máy ECMO; 69,7% số máy lọc máu, 68,7% số máy thở xâm lấn, 56,2% số máy thở không xâm lấn và 62,2% máy thở oxy. Về tỷ lệ tử vong đến thời điểm này, ở tầng 2 và 3 tính chung khoảng 5,9% (12.764/215.068 bệnh nhân). Trong đó tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,5% và 3 là 33,4%.

Đối với vấn đề vaccine, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Phạm Đức Hải cho biết, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 16/9/2021 tại TP là 8.563.863 (tăng 111.254 mũi vaccine so với ngày 15/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.693.404, mũi 2 là 1.870.459, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 992.614.

Về tiêm vaccine, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, theo thống kê từ các quận, huyện, hiện TPHCM còn 515.988 người chưa tiêm mũi 1 và 1.782.496 người cần tiêm mũi 2, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell. Như vậy, tổng số vaccine cần để tiêm cho người mũi 1 và mũi 2 đến 30/9 là 2.298.484 liều. Tuy nhiên, số vaccine còn lại của TPHCM hiện còn lại 410.820 liều vaccine các loại, gồm Astra Zeneca, Pfizer và VeroCell. Do đó TP cần thêm trên 1,8 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân trong thời gian tới.

Tiêm vaccie phòng Covid-19 cho người dân tại TPHCM. (Ảnh: Đan Như) Tiêm vaccie phòng Covid-19 cho người dân tại TPHCM. (Ảnh: Đan Như)

Cấp bổ sung trên 15.000 giấy đi đường cho doanh nghiệp và cá nhân

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho một số đơn vị, cá nhân theo quy định, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Lê Mạnh Hà thông tin, ngày 17/9 Công an TP đã ban hành Công văn hướng dẫn số 1679 gửi Công an địa phương. Trong đó, yêu cầu Công an các địa phương tham mưu UBND các địa phương liên thông, hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp được phép hoạt động. Công an TP đã cấp bổ sung cho Công an địa phương trên 15.000 giấy đi đường để cấp cho doanh nghiệp và cá nhân. Giám đốc Công TP chỉ đạo Công an địa phương phải trực giải quyết các nội dung này cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và giải quyết thủ tục trong ngày, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 16/9 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính), giảm 75% so với trung bình ngày thường; tăng 5% so với ngày 15/9; tăng 18% so với ngày thứ năm tuần trước (ngày 9/9); giảm 18% so với ngày 22/8.

Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Phan Công Bằng thông tin, thực hiện Công văn 3072 của UBND TP, từ 0 giờ ngày 16/9, TP có một số hoạt động mở rộng thêm đặc biệt tại 3 quận, huyện: Củ Chi, Quận 7, Cần Giờ. Cùng với đó, shipper hoạt động liên quận; doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tự vận chuyển hàng hóa nên số lượng người lưu thông có đông hơn nhưng không lớn lắm. Lực lượng tại các chốt giải quyết nhanh, cơ bản không xảy ra ùn tắc tại các chốt. Phương tiện lưu thông không nhiều nên mọi người khi lưu thông qua chốt đều cố gắng không tập trung đông tại chốt kiểm soát.

Trả lời câu hỏi về việc những giải pháp của TP hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lương thực, thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương thông tin, 9 tháng đầu năm, ngành chế biến lương thực phẩm TP gặp khó khăn như nhiều ngành khác, tốc độ phát triển giảm 7,5% (so với cùng kỳ giảm 2,2%). Tốc độ chung là giảm nhưng ở nhóm chính liên quan cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân vẫn tăng trưởng tốt. Ở nhóm rượu, bia, thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh giảm (nhóm này chiếm tỷ trọng khá cao trong nhóm ngành lương thực thực phẩm) nên tác động đến tốc độ chung của cả ngành lương thực thực phẩm.

Trên cơ sở đó, Hội Lương thực thực phẩm TP đã có kiến nghị với TP và Sở Công thương đã tham mưu với TP các giải pháp, trong đó có việc kết nối với các địa phương, đơn vị cung ứng để hỗ trợ tìm kiếm bổ sung nguồn cung nguyên liệu cho lĩnh vực này. Sở đã nỗ lực cùng Sở Y tế, Giao thông vận tải, Công an TP hỗ trợ Hội Lương thực thực phẩm trong việc tiêm vaccine, cấp giấy đi đường cho các đơn vị này.

Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã tham mưu UBND TP hình thành Hội đồng Ngành phát triển chế biến lương thực, thực phẩm. Hội đồng có chức năng tham mưu cho TP phương án, giải đáp định hướng hỗ trợ ngành như: đầu tư, sản xuất, khó khăn vướng mắc tiếp cận vốn, lao động, vấn đề liên quan chiến lược phát triển của ngành…

Đối với lực lượng vũ trang đảm nhiệm trên địa bàn TP về phòng chống dịch, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP cho biết, nhiệm vụ của lực lượng này vẫn không thay đổi. Về quân số, do nhu cầu chăm sóc bệnh nhân ở cơ sở nên có tăng thêm 130 tổ quân y để phối hợp lực lượng y tế cơ sở chăm lo cho bệnh nhân, người dân (trước đây là 400 tổ, hiện là 530 tổ). Bộ Quốc phòng chưa có lệnh rút quân, nên lực lượng quân sự trên địa bàn tiếp tục nhiệm vụ như tinh thần của Bộ Quốc phòng đã xác định là khi nào chiến thắng mới trở về.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo