Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bổ sung nghỉ lễ ngày 27/7 là dịp ý nghĩa, thể hiện tri ân với những người đã có công với nước

Toàn cảnh hội thảo góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 14/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu tán thành dự thảo Bộ Luật Lao động bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào ngày 27/7, bởi số ngày nghỉ lễ, Tết trong một năm của người lao động hiện nay ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (dao động từ 11-28 ngày nghỉ/năm). Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng nên thống nhất giờ làm việc trong toàn quốc, giờ hành chính, nên giao cho Thủ tướng thống nhất.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Kiều Ngọc Vũ cho rằng, việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7 là hợp lý, suốt thời gian 4 tháng (từ ngày 2/5 đến ngày 1/9) hiện không có một ngày nghỉ lễ nào. Đồng quan điểm, Phó Trưởng Phòng Quản lý lao động - Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM Trần Hảo Trí cũng cho rằng, nghỉ lễ ngày 27/7 là một dịp ý nghĩa, thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc, tri ân với những người đã có công với nước.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, đa số đại biểu tán đồng việc tăng tuổi nghỉ hưu nếu đồng thời có các điều kiện khác để đảm bảo quyền lợi thụ hưởng an sinh xã hội và thể hiện tính sòng phẳng của quy định pháp luật với người lao động. Cụ thể, theo dự thảo (phương án 1) kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng, nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở Lao động, thương binh và Xã hội TPHCM Nguyễn Tất Năm cho rằng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên, thì sẽ có nhiều người chới với, không tham gia thị trường lao động, cũng chưa được hưởng lương hưu và không có điều kiện hưởng lương hưu lâu dài. Để nhiều người được hưởng chính sách BHXH như tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông Nguyễn Tất Năm đề nghị, đồng thời với tăng tuổi nghỉ hưu, cần giảm điều kiện về số năm đóng BHXH, xuống 15 năm, thậm chí 10 năm thay vì phải 20 năm đóng BHXH như hiện nay.

Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Trần Hảo Trí góp ý: Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần thực hiện một cách sòng phẳng với người lao động. Ông Trần Hảo Trí cũng đưa ra phương án, những ai tham gia BHXH từ năm 2021 trở đi thì mới bị điều chỉnh bởi quy định tăng tuổi nghỉ hưu; còn với lao động đang tham gia BHXH thì nhà nước phải giữ cam kết điều kiện về tuổi nghỉ hưu như hiện nay, không thay đổi.

Về mở rộng khung thỏa thuận đối với giờ làm thêm tối đa, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định tổng thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt thì không quá 300 giờ/năm; dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đề xuất trong trường hợp đặc biệt, tăng thêm 100 giờ/năm (từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Theo Luật sư Trương Thị Hòa, mở rộng khung làm thêm, vì để cạnh tranh với các nước, họ cho giờ làm thêm, 1 tháng 48 giờ, 1 tuần có thể làm thêm 12 giờ. Tức là hơn 500 giờ/năm. Vì vậy việc  mở rộng giờ làm thêm là cần thiết.

“Lẽ tất nhiên là quan tâm sức khỏe người lao động. Hơn nữa, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ, không cho đi làm thêm chỗ này thì họ sẽ làm chỗ khác. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quan tâm sức khỏe, người lao động, tính cạnh tranh của người lao động” - Luật sư Trương Thị Hòa nói.

Kết luận tại hội thảo, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý các đại biểu về dự thảo góp ý Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ phản ánh đến Ban soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo