Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chuyển biến rõ nét đối với việc dạy và học môn Lịch sử ngay trong năm học 2019-2020

Tọa đàm về môn Sử

(Thanhuytphcm.vn) - Sau kỳ thi THPT quốc gia 2019 với kết quả điểm thi môn Lịch sử có khoảng 70% học sinh dưới điểm trung bình; tính chung điểm trung bình là 4,3 điểm, ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông. Cuộc tọa đàm nhằm phân tích và tìm ra giải pháp cho vấn đề bức thiết, đó là chất lượng và vị trí của môn Lịch sử trong trường phổ thông.

Tại tọa đàm, nhiều giáo viên dạy Sử đều có tâm tư đa phần học sinh coi môn Sử là môn phụ, không chịu học. Vì vậy, dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao. Sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học. Thực tế, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc.

Bên cạnh đó, đa phần học sinh hiện nay không còn hứng thú với môn Sử, gia đình thì mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ. Môn Sử hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.

Còn từ phía nhà nghiên cứu Lịch sử, nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… dẫn đến học sinh rất sợ, khó nhớ. Việc dạy Sử theo lối cứng nhắc, khô cứng, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động.

GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một môn quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này. Bộ GD-ĐT tới đây sẽ phải có những điều chỉnh, chỉ đạo về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử. Trước mắt, trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì phải rà soát lại ngay chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông theo hướng tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế giữa học và thi, những gì bất cập phải bỏ, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới.

“Đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý “môn chính - môn phụ” thì khó đổi mới được” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói; đồng thời cho biết Bộ sẽ không thể để tâm lý “môn phụ” - “môn chính” tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông và sẽ chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo