Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bế mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bế mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 47.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành công tốt đẹp. Mặc dù Phiên họp diễn ra trong thời điểm cả nước đang dồn mọi tâm lực phòng, chống dịch COVID-19, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội. Các nội dung trong Phiên họp được Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến chất lượng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau Phiên họp này, các  Ủy ban của Quốc hội nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp sau.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. Theo Tờ trình của Chính phủ, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong 26 năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô hoạt động kiểm toán đều tăng dần một cách hợp lý qua từng năm; Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và các lĩnh vực kiểm toán mới; chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng được nâng cao, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong 26 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 494.240 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước vẫn phải đối mặt với một số hạn chế và thách thức như nhận thức của một bộ phận trong xã hội về giá trị cốt lõi và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước còn chưa rõ, ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước mới kiểm toán được một phần ngân sách các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức kinh tế của Nhà nước, tỷ trọng các cuộc kiểm toán hoạt động còn thấp; hiệu lực kiểm toán chưa cao...

Thẩm tra Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, Kiểm toán Nhà nước đề ra mục tiêu thực hiện kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với quyết toán ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là chưa phù hợp, chưa bám sát với Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Kiểm toán Nhà nước. Mặc dù hiện nay, việc kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) còn khó khăn về nhân lực và tiến độ thực hiện, nhưng đây là chức năng quan trọng, riêng có của Kiểm toán Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa mục tiêu này đã được đề ra trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2010-2020, theo đó phấn đấu đến năm 2015 sẽ kiểm toán thường xuyên hàng năm hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách quận, huyện. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần phấn đấu thực hiện mục tiêu cho thời gian dài (10 năm) tiến tới kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) đối với báo cáo quyết toán ngân sách của bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hoàn thiện chức năng đánh giá, xác nhận của Kiểm toán Nhà nước quy định tại Điều 9 Luật Kiểm toán Nhà nước với mục tiêu cuối cùng là đánh giá, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước.   

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần lưu ý bố trí hợp lý nguồn lực, đổi mới phương pháp kiểm toán, rút ngắn thời gian, giảm chi phí kiểm toán; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán cho tất cả các loại hình kiểm toán, trong đó lưu ý sớm sửa đổi chuẩn mực kiểm toán phù hợp với điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng tình với mục tiêu chiến lược Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm soát quản lý tài chính công, tài sản công, đóng góp rất quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng thống nhất với phương châm của Kiểm toán Nhà nước là “Kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, uy tín, hiện đại”. Giá trị cốt lõi ở đây là hoạt động kiểm toán đã giúp cho nhà nước nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao giá trị hiệu lực, hiệu quả.  

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo