Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bạo lực học đường – Phải có quyết tâm chống bằng được

Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ kiến thức với học sinh

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/4, tại Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 TPHCM, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - chống được không?”. Chương trình có sự tham gia của đại diện các ban ngành, chuyên gia tư vấn tâm lý, luật sư, võ sư, bác sĩ, giáo viên và gần 2.000 học sinh.

Thời gian qua, hàng loạt vụ bạo lực học đường, dâm ô trẻ em diễn ra trên cả nước đã gây bức xúc trong cộng đồng. Theo thống kê năm 2018, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra tại trường học. Thực trạng này đã đến mức báo động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ hứng chịu sự đau đớn về thể xác mà còn ám ảnh tinh thần thời gian dài sau đó.

Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐH An ninh Nhân dân, Bộ Công an, cho biết bạo lực học đường và dâm ô trẻ em đang diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man. Trong khi đó, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng, gây bức xúc xã hội.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TPHCM, bạo lực học đường và dâm ô không phải là vấn đề mới nhưng “nóng” lên gần đây. “Vậy liệu rằng chúng ta có chống được không?”- ông Thắng đặt câu hỏi đồng thời trả lời rằng chúng ta phải có quyết tâm chống bằng được vì tương lai đất nước, vì sự an toàn của trẻ em.

Võ sư Trần Trung Sơn hướng dẫn kỹ năng giúp học sinh phòng vệ các tình huống xâm hại tình dục Võ sư Trần Trung Sơn hướng dẫn kỹ năng giúp học sinh phòng vệ các tình huống xâm hại tình dục

Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, chia sẻ: “Các thầy cô giáo phải là những người định hướng cho học trò trong việc tham gia mạng xã hội. Khi tham gia lên án về hành vi bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, chúng ta phải tham gia đúng chuẩn, có trách nhiệm, thể hiện tinh thần xây dựng, cộng với tinh thần tích cực, không cổ súy cho hành vi xấu, không gây ra những việc làm phản cảm”.

Theo các diễn giả, chúng ta đang có hành lang pháp lý đầy đủ. Do vậy, muốn chống được vấn nạn này phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về pháp luật. Các trường nên lồng ghép chương trình giáo dục trẻ em vào nội dung giảng dạy,…

Tại chương trình, võ sư Trần Trung Sơn, huấn luyện viên Muay Thái Quốc gia chia sẻ kỹ năng giúp học sinh phòng vệ các tình huống xâm hại tình dục. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã chia sẻ và trả lời thắc mắc của học sinh liên quan đến các điều luật quy định hiện nay về xâm hại tình dục, dâm ô, bạo hành trẻ em…

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo