Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bảo đảm chất lượng nguồn cung người lao động sang thị trường Đông Á

Toàn cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 29/6, Trường Đại học Văn Hiến phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Cung - cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: Thách thức và giải pháp đối với TPHCM” với mục tiêu tìm ra những phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng lao động của các quốc gia tại thị trường Đông Á.

Hội thảo đã nhận được sự tham gia viết bài từ 70 tác giả là các chuyên gia, giảng viên của 19 trường đại học và viện nghiên cứu trong nước, quốc tế, 7 doanh nghiệp đến từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn quốc, Trung Quốc…, gần 20 doanh nghiệp trong nước có hoạt động thương mại với thị trường các nước Đông Á. Nội dung tham luận tập trung những vấn đề quan trọng gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại TPHCM; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động các quốc gia Đông Á; Cung - cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đối với nền kinh tế chuyển đổi số…

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, Đông Á luôn được đánh giá là một thị trường lao động tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Sự bùng nổ của nền kinh tế chuyển đổi số cùng những khó khăn kéo dài do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến sự cạnh tranh về cung cầu thị trường lao động tại các quốc gia Đông Á ngày càng gia tăng. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức đặt ra đối với lực lượng lao động tại Việt Nam và cụ thể là tại TPHCM, cần thiết phải có những định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Đông Á.

Các đại biểu đề xuất giải pháp, cần có sự kết nối giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở các nước Đông Á, kết nối giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong liên kết đào tạo tay nghề, đào tạo ngoại ngữ để nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như tạo nguồn lao động. Cùng với đó, nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trình độ về chuyên môn, nghề nghiệp và trình độ ngoại ngữ cho người lao động, chú trọng tham gia thị trường lao động các nước có thu nhập cao thuộc các lĩnh vực công nghệ, sản xuất chế tạo, chăm sóc sức khỏe.

Được biết, hiện TPHCM có 67 công ty và 45 chi nhánh công ty hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2012 - 2021, đã có 103.541 người đi làm việc ở nước ngoài tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, UAE, Brunei, Liên bang Nga, Ma Cau... Xu hướng lựa chọn thị trường đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng.

Long Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo