Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Báo chí là động lực góp phần đột phá trong cải cách hành chính

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí TPHCM. (Ảnh: Phú Thọ)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong sự phát triển của xã hội, cải cách hành chính đang trở thành một yếu tố quan trọng, có thể nói là “sống còn” góp phần xây dựng Chính phủ của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã định hướng thì báo chí cần được xem là một động lực góp phần tạo nên tính đột phá trong cải cách hành chính. Điều này dựa trên thực tế báo chí đã và đang đóng góp cho sự phát triển và thay đổi của hệ thống cải cách hành chính trong suốt thời gian qua đến hiện nay.

Tiếp nhận thông tin từ báo chí được xem là cải cách đáng kể từ hệ thống quản lý hành chính

Yêu cầu cải cách hành chính vốn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan, đó là yêu cầu tự thân của hệ thống hành chính khi vận hành theo thời gian dài bắt đầu trở nên chậm chạp, không đủ sức bám kịp với tốc độ phát triển và yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Từ đó tạo nên những cản trở, trở lực.

Những khiếm khuyết, tồn tại nếu tự bản thân hệ thống đó phát hiện và điều chỉnh sẽ mất nhiều thời gian và thậm chí còn bị che giấu, lấp liếm bởi những thành tích, ngại đụng chạm, thành tích. Bộ phận cá nhân trong hệ thống hành chính cũng không thể tự mình mà điều chỉnh để mất đi một số quyền và lợi ích mà hệ thống hành chính cũ, lỗi thời đang mang lại. Điều này góp phần tạo nên những báo cáo “tốt đẹp” về hành chính nhưng thực tế bị người dân, doanh nghiệp còn ta thán nhiều năm qua.

Những trở lực lớn này được nhiều lần khẳng định trong các văn kiện, văn bản của Đảng và Nhà nước khi phân tích đến yêu cầu cốt lõi phải đẩy nhanh cải cách hệ thống hành chính.

Khách quan, chính là yêu cầu bức thiết của người dân hay nói rộng hơn là của xã hội yêu cầu phải cải cách hành chính. Nhưng yêu cầu xã hội vốn là vô chừng, khó lượng định, khó tổng hợp và khó có tính thống nhất.

Cụ thể, với một người dân có thể cải cách hành chính chỉ đơn giản là thủ tục được giải quyết nhanh nhất có thể. Đối với họ, chỉ cần đưa hồ sơ viên chức xử lý, và đúng hẹn họ đến nhận hồ sơ, vậy là xong. Nhưng đối với doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính đâu chỉ là vấn đề thời gian, mà đó là tính pháp lý, tính trách nhiệm của người đứng đầu bộ phận hành chính. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp cần phải “thủ sẵn” những cách thức xử lý những rủi ro, tranh chấp. Nếu chẳng may điều đó xảy ra thì tính pháp lý của văn bản hành chính phải được đảm bảo đầy đủ hiệu lực trước pháp luật để doanh nghiệp yên tâm “chiến đấu” trong thương trường.

Từ hai nguyên nhân khách quan và chủ quan, cải cách hành chính đặt ra bài toán lớn “làm sao phát hiện những hạn chế trong hệ thống hành chính để cải cách và giải quyết đúng vào điểm nghẽn mà xã hội đang bức xúc với hệ thống hành chính”. Một “bộ lọc” đúng nghĩa như vậy rõ ràng chỉ có thể đến từ báo chí với sức mạnh đại chúng của phương tiện truyền thông kết hợp cùng tính nhanh nhạy của người làm báo.

Đi sâu vào phân tích, có thể thấy sự khác biệt của cơ quan báo chí với hệ thống quản lý hành chính khi đón nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp đó chính là quy trình và xử lý thông tin.

Đối với các tòa soạn báo chí, do đặc thù truyền tải thông tin nên tổ chức thành các nhóm phóng viên, biên tập viên chuyên đón nhận và phân tích xử lý phản ánh từ xã hội ngay lập tức. Đối với không ít báo chí, “đầu vào” từ người xem, người nghe và người đọc còn quan trọng hơn cả thông tin của phóng viên từ chính tờ báo đó. Do yêu cầu tác nghiệp nhanh, mỗi phản ánh, kiến nghị khi đi vào tòa soạn đều ưu tiên xử lý nhanh, đáp ứng yêu cầu nóng của tin tức hàng ngày.

Đối với các cơ quan hành chính, câu chuyện này có phần nặng nề hơn.

Dù có hệ thống quy trình tiếp nhận thông tin nhưng do quy định về tính trách nhiệm, thẩm quyền nên việc xử lý thông tin phải qua nhiều giai đoạn. Thêm vào đó, áp lực cơ quan hành chính với khối lượng công việc hành chính sẽ có tác động nhất định đến thời gian xử lý phản ánh, kiến nghị từ đó dễ dẫn đến sự chậm trễ, sai sót càng khiến người dân, doanh nghiệp thiếu thiện cảm khi đụng đến thủ tục hành chính.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền dẫn, các cơ quan hành chính đã có thêm nhiều kênh thông tin (cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, website...) để đón nhận phản ánh liên quan đến hành chính nhưng đó chỉ là đầu vào thông tin, còn việc xử lý phản ánh vẫn theo quy trình hành chính nên tính linh động vẫn chưa đạt kỳ vọng, nhất là khi liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau.

Trong bối cảnh đó, báo chí với tính linh động, nhanh nhạy của mình chính là cánh tay nối dài trong việc phản ánh bất cập cải cách hành chính, là kênh thông tin hữu hiệu để cơ quan Nhà nước nắm bắt nhanh những vấn đề cốt lõi mà người dân yêu cầu hệ thống hành chính phải đổi thay.

Nhiều phân tích cho rằng, báo chí đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý và xã hội nhưng cần phải nhấn mạnh, báo chí chỉ thật sự trở thành cầu nối khi được cả hai phía cơ quan quản lý và xã hội đều nhìn nhận như một sự thật khách quan và phản ánh chính xác những gì đang diễn ra.

Điều đáng mừng là thời gian qua, các cơ quan quản lý hành chính đã “đón nhận” báo chí và dần dần hình thành tư duy xem báo chí là một kênh thông tin đầy hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, khác với trước đây vốn ít nhiều lệ thuộc nhiều vào báo cáo hành chính, mang tính nội bộ. Có thể dẫn chứng từ những chỉ đạo qua phản ánh của báo chí, Chính phủ yêu cầu xem lại quy trình thi và cấp giấy phép lái xe; vụ việc cấp giấy chứng tử chậm trễ, sai quy trình tại phường Văn Miếu, Hà Nội được xử lý nhanh, gọn và triệt để sau khi báo chí vào cuộc…

Tiếp nhận thông tin báo chí về điểm nghẽn trong cải cách hành chính được xem là bước cải cách trong tư duy hành chính, hướng đến tính dân chủ, công khai và công tâm đối với mọi nguồn tin tức trong mục tiêu cuối cùng là ngày càng hoàn thiện hệ thống hành chính.

Báo chí tạo niềm tin trong xã hội về cải cách hành chính

Có một thực tế là khi cơ quan quản lý hành chính phát kiến ý tưởng cải cách thì ngoài những trở lực đến từ nội bộ, các ý tưởng cải cách hành chính còn phải đối diện với sự hoài nghi nhất định từ xã hội.

Sự hoài nghi này xuất phát từ những thành kiến trong xã hội, còn bị “ám ảnh” với nỗi khổ sở trước đây mà người dân hay nôm na là “hành là chính”. Sự hoài nghi còn đến từ những lần “đánh trống bỏ dùi”, thiếu quyết tâm hành động trong cải cách hành chính trước đây. Sự hoài nghi về cải cách hành chính vốn dễ lan rộng và càng trở nên trầm trọng nếu chẳng may “nổi lên” một vài trì trệ, khiếm khuyết do một số cá nhân trong hệ thống quản lý gây ra.

Trong khi đó, từ khi mới ra đời với tinh thần tôn trọng sự thật, báo chí tạo được sức mạnh về niềm tin trong xã hội bởi nó được xem là kênh thông tin đại chúng để phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, từ đó tạo nên sức mạnh cộng đồng. Người dân, doanh nghiệp luôn tìm đến phương tiện truyền thông khi phải đối diện với những trì trệ, khó khăn trong xã hội mà trong đó thủ tục hành chính là một vấn đề thường gặp.

Ngày nay, mạng xã hội đã có những bước phát triển nhảy vọt nhưng niềm tin nhất định vào báo chí không vì vậy mà giảm đi. Đối diện với quá nhiều thông tin giả-thật đan xen trên mạng xã hội thì nhà báo với kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp vẫn tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp bằng thông tin chính xác, có tính trách nhiệm và rõ ràng.

Do đó, xây dựng niềm tin trong xã hội đối với quá trình cải cách hành chính, báo chí được xem là một phương tiện hữu hiệu nhất để tác động nhanh chóng hoặc lâu dài cho việc thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp.

Một bài báo được đưa đến rộng rãi trong xã hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp nhận hơn là một quy định đăng tải trên cổng thông tin điện tử với số liệu và thuật ngữ hành chính. Một bài báo cùng hàng loạt phản hồi, ý kiến bao giờ cũng có nhiều giá trị thông tin hơn là những văn bản được dán công khai tại các cơ quan quản lý.

Bằng cách phản ánh xác thực những gì diễn ra trên thực tế cải cách hành chính, báo chí còn giúp làm thay đổi chính tư duy của người làm việc trong hệ thống quản lý hành chính. Những áp lực vô hình (dư luận xã hội) hay hữu hình (quyết định, chỉ đạo của cấp trên), thông qua góc nhìn, cách phân tích của báo chí chắc chắn tạo nên động lực quyết định sự thay đổi đáng kể trong tư duy của nội bộ hệ thống hành chính. Cụ thể nhất là quá trình chuyển đổi từ tư duy “xin - cho” sang tư duy “phục vụ”, trong đó báo chí bằng những dẫn chứng sắc bén, xác thực đã đóng góp mạnh mẽ cho sự thành công bước đầu.

Mọi quá trình cải cách hành chính dù có kế hoạch chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn không thể tránh được hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện, thậm chí một số khuyết điểm có thể khiến làm tiêu tan mọi mục tiêu ý nghĩa của cải cách hành chính. Vì lẽ đó, báo chí lúc này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng dư luận, giúp làm sáng tỏ những khó khăn của cả hai bên; cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp. Từ đó, niềm tin đối với tiến trình cải cách hành chính mới được củng cố và tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống quản lý và xã hội.

Để nói về vai trò của báo chí đối với cải cách hành chính, sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng có thể khẳng định, báo chí chính là một động lực quan trọng để thúc đẩy tạo nên những đột phá trong cải cách hành chính. “Mắt xích” trung gian của báo chí không thể thay đổi trong hệ thống hành chính vốn có nhiều thành phần luôn cần một chất xúc tác để hệ thống vận hành trơn tru, sớm phát hiện và khắc phục khuyết điểm, hạn chế từ cả hai phía.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo