Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bằng giáo dục đại học bao gồm cả bằng tốt nghiệp và phụ lục văn bằng

Văn bằng đại học của sinh viên sẽ có phụ lục với đầy đủ thông tin

(Thanhtuytphcm.vn) - Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa đăng tải để lấy ý kiến dự thảo lần 1 thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (GDĐH). Đáng chú ý, điều 1 văn bản này đề cập nội dung chính ghi trên văn bằng GDĐH bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự.

Theo đó, 10 chi tiết chính ghi trên văn bằng GDĐH không hề có loại hình đào tạo (chính quy hay tại chức), trình độ người học (tốt nghiệp loại gì), chuyên môn đào tạo... Nội dung dự thảo này đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến đồng thuận với dự thảo thông tư thì cho rằng, hiện chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục chất lượng, không phân biệt chính quy, tại chức, văn bằng 2, miễn là người học muốn học, nghiêm túc học thì ngành giáo dục sẵn sàng cung cấp cho người học điều kiện tốt nhất. Còn những ý kiến phản đối thì cho rằng, nếu bỏ hết nội dung như hiện hành thì văn bằng GDĐH không thể hiện được sự nỗ lực phấn đấu học chính quy, học giỏi của người học.

Phản hồi lại ý kiến của xã hội, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có thông tin vấn đề này, cho rằng, Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”. Như vậy, đối với GDĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng. 

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, cùng với thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng GDĐH, bộ sẽ ban hành thông tư về quy chế quản lý bằng tốt nghiệp các cấp học, trong đó có quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng GDĐH. Phụ lục này bao gồm cả thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng, hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận; kết quả học tập (tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn; điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp).

Như vậy, các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… của người học, giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.

Cục Quản lý chất lượng cho rằng, việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia, vì vậy quy định như trong dự thảo là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của GDĐH Việt Nam với GDĐH của các nước.

Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của GDĐH, văn bằng GDĐH gồm 3 loại: Bằng cử nhân; bằng thạc sĩ và bằng tiến sỹ. Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật GDĐH sửa đổi, theo đó các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại Nghị định này, dự kiến, sẽ có các loại bằng kỹ sư, bằng bác sỹ, bằng dược sỹ… (với tư cách là bằng chuyên môn đặc thù).

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, với dự thảo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, bộ sẽ lắng nghe ý kiến dư luận để hoàn thiện nội dung phù hợp nhất.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo