Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Băn khoăn về tính thống nhất trong dự luật sửa đổi, bổ sung 4 luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bế mạc phiên họp thứ 23; cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật gồm: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị.

Cân nhắc làm rõ cơ sở, tiêu chí  để nhập 4 luật vào sửa chung 1 luật

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày cho thấy, trong quá trình thực hiện 4 luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn về một số nội dung như: cấp giấy phép xây dựng; nội dung, trình tự thẩm định dự án; quản lý an toàn công trình xây dựng; lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, nhà ở, bất động sản… Mặt khác, một số quy định tại 4 Luật này cũng đã bộc lộ sự chưa thống nhất, chưa đồng bộ với một số Luật như: Đầu tư,  Đấu thầu, Đất đai, Bảo vệ môi trường…

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần sửa đổi, bổ sung các luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu lực của Luật Quy hoạch, đồng thời thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc dùng một luật sửa nhiều luật, nhiều nội dung sửa đổi khác nhau và đa mục tiêu khó có thể bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và chất lượng các quy định trong quá trình sửa đổi, bổ sung.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch (19/77 điều liên quan đến Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị), đối với các nội dung khác cần phải rà soát, tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thông tin thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung cho biết, luật liên quan không chỉ đến quy hoạch mà còn mở rộng ra cả nhà ở, đầu tư kinh doanh, trong khi nội dung còn nhiều chính sách mới chưa được tổng kết, chưa đánh giá tác động, chưa tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động. Các quy định được sửa đổi còn nhiều mâu thuẫn với chính văn bản luật gốc và các luật có liên quan. Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc làm rõ cơ sở, tiêu chí để nhập 4 luật vào sửa chung 1 luật, vì giữa nội dung sửa đổi, bổ sung trong 4 luật này hầu như không có tiêu chí chung. Hơn nữa 3/4 luật mới sửa đổi toàn diện năm 2014, thời gian thực hiện chưa lâu.

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trước mắt tập trung sửa ngay những điều liên quan đến Luật Quy hoạch để thông qua trong năm 2018, bảo đảm kịp triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Những nội dung khác ngoài quy hoạch đề nghị tách riêng để nghiên cứu sửa đổi độc lập sau khi tổng kết đánh giá tác động đầy đủ và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan, nhất là ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc thay đổi chính sách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung vào chương trình khi đủ điều kiện theo Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhìn nhận luật sửa đổi khá đồ sộ và rất khó. “Thực ra chúng ta xác định đa mục tiêu, lúc đầu chúng ta chỉ chạy theo Luật Quy hoạch, còn mỗi luật có tính thống nhất nội tại trong từng luật, điều này liên quan đến điều kia, chính sách này liên quan đến chính sách kia. Nếu chúng ta lấy ra sửa theo hướng đa mục tiêu ngoài mục tiêu lúc đầu sửa Luật Quy hoạch bây giờ chúng ta lại nhân cơ hội sửa nữa thì không hợp lý”, bà Nga khẳng định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc nghiên cứu để sửa đổi là cần thiết, tuy nhiên, tổng kết thực tiễn chưa đầy đủ, đánh giá tác động của những chính sách mới  chưa thật rõ, chưa thật cụ thể, nhất là những nội dung sửa đổi. “Thường vụ đều thống nhất tinh thần rất mong muốn ủng hộ nhưng phải có thời gian và chuẩn bị kỹ”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói. Ông đề nghị, trước mắt, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, tách Luật Quy hoạch đô thị và Luật Kinh doanh bất động sản để sửa vì có nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, đưa những nội dung này vào trong luật để sửa 11 luật. Phải làm theo quy trình 2 kỳ họp, nếu được đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ chuẩn bị sau đó trình vào kỳ họp thứ 6. Nếu tốt thì thông qua tại kỳ họp thứ 6 một lần, nếu chưa tốt Quốc hội sẽ quyết định có thể 2 kỳ họp.

Sửa đổi ngay nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh

Trước ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, những nội dung đề nghị sửa đổi liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh ở 4 luật này đã tổng kết hơn 2000 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ tại các kỳ họp QH, các doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội từ 4 - 5 năm trước và  đã được rà soát, đánh giá rất kỹ. Cần phải tháo gỡ ngay những việc đó.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Nếu tách Luật Quy hoạch ra thì nên có một luật sửa các luật khác liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận sửa đổi ngay một số nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh bởi đã được đánh giá kỹ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để phục vụ cho Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nên ưu tiên cho một luật sửa những luật liên quan đến quy hoạch. Về nguyên tắc, để đảm bảo tính thống nhất và  đồng bộ của hệ thống pháp luật, phải hết sức hạn chế phương thức dùng một luật để sửa nhiều luật, chỉ áp dụng phương thức này trong trường hợp thực sự cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp thứ 5 chỉ họp 20 ngày bởi một số dự luật chưa đảm bảo điều kiện phải rút ra, một số dự án luật cần phải gia công thêm cho thật chắc chắn để trình ra tại kỳ họp thứ 6. Sau 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 23, cho ý kiến việc chuẩn bị các nội dung để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với 2 dự án luật Chính phủ chưa chuẩn bị kịp để trình tại phiên họp này là Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch, các Ủy ban phối hợp chặt chẽ với Chính phủ khẩn trương chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 tới. Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ họp từ ngày 14-16/5.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo