Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Băn khoăn vấn đề xử lý rác thải, thành lập doanh nghiệp mới

Đại biểu Trần Quang Thắng phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ
(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX, chiều 4/12, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ. Theo đó, các ĐB lo ngại về vấn đề xử lý rác thải, cũng như việc phát triển doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Phân cấp trong việc quản lý rác thải

Theo ĐB Trần Quang Thắng (Quận 8), đối với các dự án nạo vét kênh, rạch mỗi lần thực hiện TP tốn tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ sau vài năm thực hiện TP lại phải tiếp tục chi ngân sách để thực hiện việc nạo vét lại do tình trạng người dân xả rác thải xuống kênh, rạch làm tắc nghẽn. Do đó, để quản lý tốt vấn đề này, TP cần giao quyền tự quyết, bố trí ngân sách cho địa phương thực hiện việc này, bởi vì các địa phương là nơi hiểu rõ nhất nguồn gốc rác thải xuất phát từ đâu để có biện pháp quản lý. Còn đối với vấn đề xử lý rác, TP cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xử lý rác đầu tư và sử dụng các công nghệ đốt rác, biến rác thành nguồn tài nguyên.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc (quận Thủ Đức) cho rằng, hiện nay, TP đã công bố đơn giá dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn TP và theo đánh giá của Sở Tài chính TP thì đơn giá mới giảm hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, việc công bố đơn giá về vệ sinh môi trường sẽ ảnh hưởng đến người lao động hoạt động trong các lĩnh vực này. Vì vậy, trong thời gian qua, cử tri rất quan tâm đến việc chậm trả lương cho nhân viên hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Chia sẻ sự lo lắng về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa (Quận 11) đặt vấn đề: Năm 2017, TP chưa hoàn thành chỉ tiêu về thành lập doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ tiêu đưa ra là năm 2017, TP thành lập 50.000 doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ thực hiện được 41.000 doanh nghiệp, trong đó có 3.062 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong khi chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 chưa thực hiện xong thì kế hoạch năm 2018, TP đưa con số thành lập doanh nghiệp mới là 46.000 doanh nghiệp thì liệu TP có thực hiện được chỉ tiêu này trong năm 2018 hay không; cũng như để thực hiện chỉ tiêu này TP có giải pháp gì?

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang (quận Tân Bình) phân tích: Theo báo cáo của UBND TP cho thấy, chỉ tiêu GRDP không đạt là do dự báo không sát với thực tế. Do đó, ĐB Quang đề nghị với chỉ tiêu GRDP năm 2018, cơ quan tham mưu phải đưa ra kịch bản cho từng lĩnh vực.

Đổi mới công nghệ xử lý rác

Tham gia giải trình các ý kiến đại biểu đặt ra, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho biết: Với những vấn đề liên quan đến công tác dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP, trong thời gian tới, Sở sẽ nghe thông tin nhiều chiều để tham mưu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Sử Ngọc Anh, trong 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP năm 2017 thì có 3 chỉ tiêu chưa đạt. Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TP với mức tăng trưởng 8,25% như năm nay là cao và đây mới chỉ là con số dự ước thực hiện của năm. Theo đại biểu Sử Ngọc Anh, trong nội hàm GRDP có 3 ngành là ngành nông nghiệp tăng 6,3%; công nghiệp tăng 7,84%; dịch vụ tăng 8,23%. Nhưng hiện có 3 ngành đang chậm lại so với cùng kỳ và cần quan tâm để phát triển như hạ tầng công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông tăng 7,5% (năm 2016 tăng 11,9%); giáo dục tăng 8,7% (năm 2016 tăng 9,7%); vận tải tăng 10,8% (năm 2016 tăng 11,4%).

Về vấn đề phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạc và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho hay: Để đạt chỉ tiêu về thành lập doanh nghiệp mới trên địa bàn, TP đã có kế hoạch chi tiết phân cho 24 quận, huyện với các giải pháp về tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ kế toán, hỗ trợ về thuế, hỗ trợ về cơ sở vật chất, cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Trong năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới của TP là 41.000, chiếm 60% doanh nghiệp cả nước (năm 2017, cả nước thực hiện thành lập 100.000 doanh nghiệp). Điều này cho thấy, việc phát triển doanh nghiệp đối với TPHCM là bước phát triển rất lớn như tăng trưởng 13,4%, vốn đăng ký bình thường tăng 68%.

Về con số thành lập doanh nghiệp mới năm 2018 dự kiến 46.000 doanh nghiệp dựa trên 2 chỉ tiêu lớn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đặt ra là đến năm 2020, TP phải có 500.000 doanh nghiệp và hiện nay TP có trên 330.000 doanh nghiệp. Như vậy, trong 3 năm còn lại cần hơn 160.000 doanh nghiệp và mỗi năm TP phải phát triển trên 50.000 doanh nghiệp. Ngoài ra, với con số 46.000 doanh nghiệp dự kiến thành lập mới năm 2018 nếu so với 41.000 doanh nghiệp thành lập trong năm 2017 chỉ tăng 12% và nếu so sánh với mức tăng cùng kỳ hàng năm từ 13% - 15% thì đây là mức tăng phù hợp. Đặc biệt, với điều kiện TP tiếp tục có những cơ chế theo kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội, môi trường đầu tư thông thoáng, cộng với khởi nghiệp, môi trường sinh thái khởi nghiệp nên con số 46.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 là có khả năng đạt.

Giải trình về vấn đề môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin: Thực tế ô nhiễm và bồi lắng kênh, rạch hiện nay trên địa bàn TP có sự đóng góp không nhỏ của chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày. Công tác này đã được Sở tuyên truyền vận động, bố trí thùng rác để thu gom dọc sông, kênh, rạch; tuy nhiên lượng rác thải vẫn còn tiếp tục phát sinh trên hệ thống sông, kênh, rạch của TP. Cụ thể, Sở Tài nguyên - Môi trường TP được giao nhiệm vụ vớt rác trên 4 tuyến kênh, rạch chính như Nhiêu Lộc - Thị Nghè hàng ngày vớt 7 - 8 tấn; còn hệ thống Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Kênh Tân Hóa - Lò Gốm số lượng trung bình hàng ngày 40 - 45 tấn, cao điểm 60 tấn/ngày.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ, hiện nay, đối với vấn đề quản lý sông, kênh, rạch trên địa TP, năm 2016, UBND TP có quyết định phân cấp về quản lý sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Trong đó, dựa vào chức năng sông, kênh, rạch để phân cấp cho các sở, ngành, các quận, huyện liên quan để quản lý sông, kênh, rạch, cũng như nạo vét sông, kênh, rạch. Do đó, ý kiến của ĐB về tăng cường sự tự chủ của quận, huyện trong việc quản lý hệ thống sông, kênh, rạch là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP, quận - huyện, Sở đã thực hiện phân cấp việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn 24 quận - huyện.

Liên quan vấn đề xử lý rác thải bằng cách thay đổi công nghệ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay: Thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND TP ban hành năm 2017, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, TP áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại và tiến tới còn 50% rác chôn lấp và năm 2025 chỉ còn 20%. Do đó, để thực hiện chỉ tiêu này, thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND TP, Sở đã thực hiện các vấn đề như làm việc với các đơn vị xử lý chất thải hiện hữu để họ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý và các đơn vị này đã xây dựng các dự án về nâng cấp, cải tạo chuyển đổi công nghệ và hầu hết chuyển đổi qua công nghệ đốt, thu hồi năng lượng, khí hóa. Bên cạnh đó, Sở cũng kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư các công nghệ mới hiện đại, trong đó ưu tiên cho việc đốt và thu hồi năng lượng.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo