Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

56 năm ngày “lật cánh sang Tây Trường Sơn”

Các cựu chiến binh vui mừng trong ngày hội ngộ. Ảnh: QDND.VN

Sáng 11-6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 56 năm ngày Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn bắt đầu hoạt động trên địa bàn Tây Trường Sơn (14-6-1961/14-6-2017).

Đến dự có ông Phôm Ma Sít Sể Na, đại biện lâm thời Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; 200 đại biểu đại diện cho hơn 3 vạn hội viên Trường Sơn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Cách đây 56 năm, do địch điên cuồng chống phá, tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam mà Đoàn 559 đảm nhiệm lâm vào tình trạng bế tắc nghiêm trọng, có lúc gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Trước đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, theo đề nghị của Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hoàn toàn nhất trí, ủng hộ Việt Nam mở Đường Hồ Chí Minh sang phía Tây Trường Sơn. Ngày 14-6-1961, tuyến gùi thồ ở phía Tây Trường Sơn chính thức đi vào hoạt động. Lịch sử gọi sự kiện này là “lật cánh sang Tây Trường Sơn”.

Đến tháng 9-1961, cùng với tuyến gùi thồ, một tuyến đường ô tô dã chiến dài 200km đã được 2 tiểu đoàn công binh của Quân khu 4 xây dựng nối Đường 12 tại Lằng Khằng với Đường 9 tại Mường Phìn, mang tên Đường 129. Đầu năm 1962, một đoàn xe 60 chiếc chở hàng theo Đường 12, vượt đèo Mụ Giạ xuống Lằng Khằng rồi theo Đường 129 giao hàng tại Xê Pôn. Đây là chuyến hàng vận chuyển bằng cơ giới quy mô đầu tiên ở Tây Trường Sơn. Ngày 9-8-1964, Trung đoàn 98 đã bổ nhát cuốc đầu tiên nâng cấp đường gùi thồ từ Bản Đông đi Mường Noòng thành đường cơ giới. Tiếp theo năm 1965, Đường 128 từ Xóm Péng đến Na Bo được xây dựng; năm 1966 xây dựng tuyến vượt khẩu cơ giới thứ 2 là Đường 20-Quyết Thắng từ Phong Nha (tỉnh Quảng Bình) sang Lùm Bùm (huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào). Ở phía nam Đường 9 các trục đường ô tô mới được xây dựng đến tận Ngã ba biên giới, nối liền với trục đường C4, C49 ở Đông Bắc Cam-pu-chia, với các trục ngang nối Tây Trường Sơn với Trị Thiên và Tây Nguyên của Việt Nam...

Từ đoàn công tác quân sự đặc biệt ban đầu, Đoàn 559 đã có bước trưởng thành nhanh chóng về tổ chức. Ngày 29-7-1970, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Bộ tư lệnh 559 thành Bộ tư lệnh Trường Sơn-tương đương cấp quân khu; giao Bộ tư lệnh Trường Sơn chỉ huy toàn bộ lực lượng của ta hoạt động trên địa bàn Nam Lào. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường.

Với phương châm chiến lược “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bộ đội Trường Sơn luôn xác định nhiệm vụ giúp bạn cũng quan trọng như nhiệm vụ chi viện chiến lược cho các hướng chiến trường. Các đơn vị của Bộ đội Trường Sơn luôn sát cánh cùng các đơn vị Pha-thét Lào chiến đấu để bảo vệ tuyến chi viện, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ cơ sở cách mạng Lào.

Trong khi đó, nhân dân địa phương các bộ tộc Lào cũng tạo mọi điều kiện cho bộ đội Việt Nam. Hàng trăm bản làng của đồng bào Lào đã tự nguyện rời bỏ nhà cửa, nương rẫy từ bao đời nay để cho tuyến đường Trường Sơn khai thông, bảo đảm yêu cầu “gần nhất, dễ đi nhất”. Những bản làng nằm gần những con đường Trường Sơn mới mở cũng phải rời sâu vào rừng để tránh bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Sự hy sinh to lớn ấy của đồng bào các bộ tộc Lào không gì có thể so sánh được.

Suốt 10 năm (1964-1973), hơn 4 triệu tấn bom đã ném xuống Trường Sơn. Kẻ địch muốn bằng sức mạnh hủy diệt của bom đạn, chất độc hóa học để cắt đứt Đường Hồ Chí Minh, bắt hai dân tộc Lào-Việt phải khuất phục. Hàng vạn chiến sĩ Trường Sơn và quân dân các bộ tộc Lào đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu này. Nhưng đường Trường Sơn vẫn rộng dài vươn ra phía trước, tình đoàn kết máu thịt Việt-Lào đã được hun đúc qua thời gian thử lửa này ngày thêm bền chặt.

Ở Tây Trường Sơn không chỉ có các tuyến vận tải đường bộ mà còn có các tuyến vận tải đường sông, đường dây thông tin, đường giao liên… Tuyến đường ống xăng dầu đầu tiên của Trường Sơn đã vượt đèo Mụ Giạ vào đến Ka Vát (Khăm Muộn) năm 1969. Đặc biệt, nhánh tây đường ống xăng dầu theo Đường 16 vào Bản Đông chạy dọc theo Đường 128 trên đất Lào để vào Việt Nam nhập với nhánh đông tại khu vực Ngã ba biên giới.

Các đại biểu tham gia buổi gặp mặt trong điệu múa Lăm-vông thể hiện tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào. Ảnh: QDND.VN

Sự kiện Bộ đội Trường Sơn bắt đầu hoạt động trên địa bàn Tây Trường Sơn ngày 14-9-1961 là một bước chuyển hướng chiến lược quan trọng. Từ một địa bàn chật hẹp với phương thức gùi thồ là chính chuyển sang một địa bàn rộng lớn, có điều kiện vận chuyển cơ giới với quy mô ngày càng lớn, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào.

Tại buổi gặp mặt, ôn lại thành tích vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn trong lịch sử, thay mặt Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Thiếu tướng Võ Sở-Chủ tịch hội càng tự hào hơn nữa khi nói về chiến công của những người lính Trường Sơn năm xưa trong công cuộc xây dựng đất nước, giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Sau 6 năm thành lập, đến nay, hội có 48 hội, ban liên lạc ở cấp tỉnh, thành phố; 265 hội, ban liên lạc ở cấp quận, huyện, thị xã; 3.018 hội, ban liên lạc ở cấp phường, xã, thị trấn, 60 hội, ban liên lạc ở các đơn vị truyền thống cấp cục, ngành, sư, trung đoàn. Tổng số hội viên hiện nay có hơn 30,1 vạn người. Ngoài ra còn có Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn toàn quốc, Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn và Câu lạc bộ Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn...Hằng năm, hội đã vận động xây dựng được hàng trăm ngôi nhà đồng đội cũng như những suất học bổng cho con hội viên có hoàn cảnh khó khăn hiếu học hay trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên cho đồng đội không nơi nương tựa...

Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày bộ đội Trường Sơn "lật cánh sang Tây Trường Sơn", các hội viên Trường Sơn vui mừng được thông báo Di tích Đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bảo tồn nguyên vẹn trên 1km đường ở Mường Noòng; cầu treo Bản Đông do bộ đội Trường Sơn xây dựng hiện vẫn đang được bạn sử dụng, hai kho xăng dầu của bộ đội Trường Sơn trong hang đá vẫn còn nguyên vẹn, một Bia tưởng niệm các liệt sĩ Lào-Việt trên Đường 12, tỉnh Xa-vẳn-na-khẹt vẫn được bạn bảo tồn nguyên trạng. Nguyện vọng của cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mong muốn Nhà nước Lào sớm công nhận Di tích Đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn là Di tích Quốc gia Lào.

Theo QDND.VN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo