Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

“Nóng” vấn đề phí - giá BOT

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 4/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Không nằm ngoài dự đoán, vấn đề phí - giá BOT trở thành vấn đề nóng nhất. Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu (ĐB) đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT.

Tranh luận sôi nổi về BOT

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi “trạm thu giá” để trình Chính phủ. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GT-VT cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất”.

Liên quan đến vấn đề BOT giao thông đang gây quan tâm dư luận thời gian qua, các ĐB: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)... chất vấn đề nghị Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT...

Trả lời chất vấn về chênh lệch chi phí đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng việc chênh lệch là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng. Trước khi quyết toán Bộ GT-VT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, toàn bộ các trạm BOT sẽ phải hoàn thành thu phí tự động vào cuối năm 2019. Đây là giải pháp công khai minh bạch, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn về giải pháp căn cơ để hoàn thiện thể chế BOT, giám sát thực hiện dự án để tránh sai phạm, hài hòa lợi ích? Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể, thời gian tới Bộ tiếp tục rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong ngành nếu phát hiện các sai phạm liên quan đến BOT...

ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về chỉ định thầu trong các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, với tổng giá trị lên tới nhiều chục nghìn tỷ đồng. “Doanh nghiệp phản ánh ở địa phương có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể cạnh tranh được. Tình trạng đặc quyền và độc quyền thông qua chỉ định thầu khiến việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án kéo dài, đội vốn, có dự án bị đội vốn lên 36 lần. Bộ trưởng có biết việc này hay không và giải pháp xử lý thế nào?” -  ĐB Trương Trọng Nghĩa hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua toàn bộ dự án BOT được tổ chức đấu thầu, công bố công khai mời thầu trên mạng một tháng. Nhà đầu tư nào quan tâm sẽ nộp hồ sơ thầu, đấu thầu. Dự án nào có hai nhà đầu tư quan tâm trở lên Bộ sẽ tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, có những nhà đầu tư thời điểm trước đó chưa rõ luật; nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên không thể tổ chức đấu thầu, với các dự án này phải chỉ định thầu. Bộ trưởng khẳng định do Luật Đấu thầu đã quy định rõ nên nếu có vi phạm trong quá trình thực hiện thì sẽ kiểm tra, xử lý theo luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, do dự án kéo dài nên việc gây lãng phí là có. Với số dự án này, Bộ đều họp giao ban giám sát hàng tháng, hàng quý... để dự án thực hiện đúng tiến độ, chống lãng phí.

Không thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Trọng Nghĩa tranh luận lại: 17 dự án BOT chỉ định thầu gây lãng phí hơn 20.000 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư, thực tế có những con đường cực kỳ đắt vì sự đánh đổi này. Kiểm toán nêu rồi thì giờ xử lý thế nào, chừng nào xử lý vì liên quan tới dự án hàng nghìn tỷ? Trả lời, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định. Việc gì cho phép thì Bộ làm. Có những việc phải xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ mới thực hiện. Việc làm này hết sức minh bạch. “Xin khẳng định lại nếu có sai sót liên quan đến Bộ GT-VT, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, hoặc nếu liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, hoặc các cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận: “Bộ trưởng nói xử lý các trạm BOT dựa trên lợi ích dân nhưng tôi không đồng ý. Bức xúc của người dân hiện nay là ở 17 dự án BOT đặt sai vị trí, 3 dự án người dân không đi vẫn phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh nhưng vẫn phải trả tiền. Giải pháp của Bộ trưởng hiểu là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng… Đó là xử lý trên lợi ích của dân?”.  ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với ĐB Hoàng Quang Hàm và cho rằng, điều ĐB muốn bộ trưởng nói là hoàn thiện thể chế, luật nào đó chứ không chỉ đưa ra những giải pháp chắp vá, thiếu căn cơ.

“Bỏ rơi” đường sắt

Không chỉ vấn đề BOT, các ĐB Quốc hội cũng chất vấn về vấn đề ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông; xử lý xe quá khổ quá tải… ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt và giải pháp giảm tai nạn giao thông đường sắt...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông đường sắt là tuyến đường quan trọng của đất nước, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận ngành GT-VT tham mưu kém nên chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Bộ nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu. Hiện vẫn còn hơn 5.719 tuyến đường giao cắt, trong đó 1.519 tuyến đường giao cắt do Tổng Công ty Đường sắt quản lý có bố trí có gác chắn, còn hơn 4.200 đường dân sinh tự mở không có gác chắn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đường sắt là loại hình vận tải đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ  để đảm bảo an toàn, tuy nhiên thời gian qua, do tình hình khó khăn nên chúng ta chưa có giải pháp căn cơ để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông đường sắt. Về lâu dài, để nâng cao chất lượng vận tải đường sắt, Bộ đã xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để đầu tư nâng cấp hệ thống đường sắt trong thời gian tới.

Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng không phải do Bộ "tham mưu kém" mà hầu như "bỏ rơi" đầu tư cho đường sắt vì đầu tư cho đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn...

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo