Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 27/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, với gần 4.000 người tham gia tại các điểm cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng, nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến rõ rệt. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ, đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định. Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Chỉ thị số 10/CT-TTg đã tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và có những biện pháp, nội dung chỉ đạo quyết liệt, mang tính đột phá; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương về tinh thần phục vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

“Việc phổ biến, quán triệt rộng rãi Chỉ thị này có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, nhằm tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỷ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi người dân, doanh nghiệp cùng quyết tâm, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, nội dung yêu cầu của Chỉ thị ở tất cả các cấp, các ngành một cách nghiêm túc, thực chất và đạt hiệu quả cao.

Tham luận tại Hội nghị, nhiều bộ, ngành cũng thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp nói riêng, song, vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong giải quyết thủ tục hành chính.

Quang cảnh Hội nghị Quang cảnh Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng, có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ thành một nhóm người, có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế, chính sách để làm lợi, cho một số người có chức vụ, quyền hạn. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải “lót tay”, chấp nhận tiêu cực, tham nhũng hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau đối với cán bộ, công chức nhằm được hưởng lợi không hợp pháp và để được giải quyết công việc của mình một cách không đúng, không chính đáng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, tình hình trên chủ yếu do một số nguyên nhân, trong đó đầu tiên là người đứng đầu chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm lại xử lý chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi vẫn còn kém, rõ nhất ở một số lĩnh vực như: Thuế, hải quan, quản lý đất đai, cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, quản lý đầu tư, quản lý môi trường, xây dựng, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo