Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham quan Nhà số 5 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có đề cập nội dung “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố mang tên Bác. Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Một động lực phát triển

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đòi hỏi phải xem xét công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, cùng với có kế hoạch đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú, hấp dẫn, đặc sắc gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo định hướng phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ không giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân ở thành phố này mà sẽ được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến với TPHCM sẽ cảm nhận được đây là Thành phố mang tên Bác. Sẽ có thêm những công trình, những thiết chế gắn với cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác, những dấu mốc gắn với cuộc đời, sự nghiệp, di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu vào con người Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người nơi Thành phố được vinh dự mang tên Bác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Dù trước đây TPHCM được ví như Hòn ngọc Viễn Đông hay đầu tàu kinh tế cả nước, việc Thành phố được mang tên Bác vẫn rất đặc biệt. Vì vậy, Đảng bộ và Nhân dân Thành phố phải luôn thấy được niềm tự hào này, suy nghĩ làm sao để việc được mang tên Bác trở thành một động lực phát triển Thành phố.

Việc làm cho môi trường sống Thành phố chứa đầy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào con người Thành phố và trở thành nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố đây là vấn đề lớn. Và nếu làm tốt sẽ góp phần xây dựng, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng con người TPHCM trong thời kỳ mới.

Những điểm nhấn quan trọng

Phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh đối với những công trình kiến trúc, văn hóa vật thể chắc chắn sẽ được quy hoạch tổng thể, hài hòa và sẽ được từng bước triển khai. Nhưng điều mong muốn của Đảng bộ và người dân TPHCM là trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, ít nhất cũng sẽ tạo ra những điểm nhấn quan trọng trong diện mạo phát triển Thành phố.

Bến Nhà Rồng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 (cách đây tròn 110 năm). Nơi đây trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM và cũng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Hàng năm Bảo tàng đã đón một lượng khách khá lớn trong nước và ngoài nước đến tham quan. Cùng với địa chỉ số 5, Châu Văn Liêm, Quận 5 là Di tích lịch sử quốc gia - nơi ở của Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nghe giới thiệu về những tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: SGGP) Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nghe giới thiệu về những tài liệu, hình ảnh, tranh vẽ minh họa hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: SGGP)

Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh (cả nước có 5 bảo tàng, 9 di tích). Nơi đây mặc dù đã có sự đầu tư mở rộng (hiện có 1,4 ha), nâng cấp và bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật quý giá nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng, cần phải được đầu tư nhằm tu bổ, mở rộng và nâng cấp. Theo kế hoạch đã được thống nhất, Cảng Sài Gòn sẽ giao thêm mặt bằng để mở rộng (gấp đôi hiện nay) nhằm có thêm không gian trưng bày chuyên đề, Thư viện Hồ Chí Minh, mở rộng công viên Hồ Chí Minh và các hoạt động của Bảo tàng. Đề án cũng có kế hoạch  xây dựng mô hình khung cảnh khu vực Cảng Sài Gòn những năm 1911 cùng với việc phục chế tàu Amiral Latouche Tréville.

Ở phía Đông sông Sài Gòn, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong quy hoạch có dành cho việc xây dựng không gian Hồ Chí Minh với diện tích khá lớn, có thể triển khai nhiều công trình, hạn mục gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có quảng trường, nơi biểu diễn nghệ thuật…

Đẩy mạnh học tập, làm theo gương Bác

Đảng bộ và Nhân dân TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị với ý thức trách nhiệm, yêu cầu nâng cao nhận thức gắn với hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa trong đời sống xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về việc học và làm theo Bác. Khuyến khích các hình thức biểu dương, quảng bá thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, kể cả có những phòng truyền thống, góc truyền thống ở các cơ quan, đơn vị, trường học…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, phối hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp gắn với nội dung về Bác để có thể tổ chức biểu diễn thường niên và thường xuyên, không chỉ phục vụ các đợt lễ hội mà còn phục vụ du khách như nét văn hóa đặc trưng của TPHCM. Các chương trình này, có thể phục vụ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể biểu diễn ở bến sông, trên sông, trên tàu thuyền du lịch, tại các không gian văn hóa công cộng…

Một điều quan trọng nữa là Thành phố cần triển khai các công trình xanh – sạch – đẹp ở các khu phố, khu dân cư do các đoàn thể, người dân cùng chăm sóc như công viên, cây xanh, đường hoa… được tươi tốt quanh năm. Cùng với việc giữ gìn đường phố sạch sẽ, nhà cửa tươm tất, ứng xử có văn hóa của người dân trong cộng đồng.

Trong hướng phấn đấu, Thành phố xem xét có sự tăng cường đầu tư về lĩnh vực văn hóa, về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh để trong tương lai không xa, TPHCM trở thành một điểm đến hấp dẫn toàn cầu, trong đó có nội dung đặc sắc về văn hóa Hồ Chí Minh.

Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM, với sự phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn, nhất định trong nhiệm kỳ này TPHCM sẽ tích cực triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể, cũng như tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phạm Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo