Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện có chất lượng cao về cả chuyên môn, lẫn đào tạo con người

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 30/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý “Chiến lược phát triển Giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, từ nhiều năm qua, thành phố là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến, mô hình sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Với chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, thành phố cần xác định tầm nhìn, quan điểm xuyên suốt để từ đó, có những biện pháp, kế hoạch, chương trình hiện thực hóa tầm nhìn đó góp phần giữ vững vai trò là đầu tàu cả nước không chỉ về kinh tế mà còn giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, có vị trí và vai trò ở khu vực và quốc tế.

Trước đó, dự thảo chiến lược phát triển đã qua 2 lần lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tại hội thảo góp ý lần này, ngành giáo dục muốn lắng nghe thêm các ý kiến đóng góp trên tinh thần phản biện, thẳng thắn chia sẻ quan điểm để tìm sự đồng thuận từ nhiều nguồn lực, qua đó, định hướng xuyên suốt chiến lược phát triển giáo dục từ mầm non đến phổ thông, đại học.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện Thành phố có hơn 4.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, có 269 trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành đã kết nối với cơ sở dữ liệu Thành phố và Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, giáo dục Thành phố vẫn đối mặt với những hạn chế về quy hoạch và quản lý mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng.

Nhiều năm qua, thành phố thực hiện chủ trương tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, huy động 100% trẻ em trong độ tuổi ra lớp, giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục trung học theo định hướng của thành phố. Chất lượng đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao, đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn và trên chuẩn; tuy nhiên, hiện nay còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học dẫn đến việc chưa theo kịp yêu cầu đổi mới trong giáo dục và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, TPHCM hiện là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng chí đánh giá cao sự chủ động này, song cần thêm nhiều giải pháp, tính toán cụ thể để hiện thực chiến lược phát triển. Do vậy, TPHCM cần xác định rõ hình ảnh, các yêu cầu về kỹ năng, phẩm chất của con người trong tương lai khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Dựa trên chiến lược phát triển chung của cả nước, TPHCM cần có thêm định hướng riêng, xác định rõ mục tiêu thực hiện, tránh vừa thiếu vừa thừa khi triển khai trong thực tế. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị thành phố đặt quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, phấn đấu thực hiện 30 - 35 học sinh/lớp để phát huy hiệu quả chất lượng dạy và học.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, Thành phố luôn đảm bảo mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, chiến lược phát triển giáo dục cần hài hòa, toàn diện từ bậc mầm non đến phổ thông, đại học và sau đại học, tạo ra hệ thống phát triển toàn diện. Hiện, tổ soạn thảo dự thảo chiến lược phát triển sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, nhà giáo. Mục đích cuối cùng là xây dựng được hệ thống giáo dục toàn diện có chất lượng cao về cả chuyên môn, lẫn đào tạo con người.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo