Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng đô thị thông minh gắn liền với TP văn minh

Để có một TPHCM xanh, sạch, đẹp rất cần ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Dòng kênh Nhiêu Lộc trong xanh sau khi được cải tạo. (Ảnh: Thanh Xuân)

(Thanhuytphcm.vn) - Vấn đề TP đảm bảo vệ sinh có lẽ đã được đề cập từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Hiện nay, tình trạng các kênh rạch còn rác và bốc mùi hôi, nhất là khi nước triều xuống, vẫn chưa được giải quyết căn bản. Trên đường, khu dân cư thì thường xuyên có rác thải, kể cả ở một số công viên. Ở nhiều nơi, thùng rác công cộng trở thành điểm tập kết rác, bởi nhiều người thay vì bỏ rác vào thùng thì cứ tiện tay vứt rác xung quanh…

Tình trạng này có một phần đáng kể trách nhiệm trong việc tổ chức của nhà nước. Trong đó, có lẽ yếu tố căn bản là nhà nước chưa có biện pháp tác động đủ mạnh để giúp người dân thay đổi ý thức về vấn đề vệ sinh môi trường. Trước giờ, công tác tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều cách, như treo khẩu hiệu, tổ chức các đợt ra quân…, nhưng thực tế hiệu quả rất thấp. Biện pháp cần thiết là phải tác động đến nhận thức và hành vi, để mỗi người thấy việc xả rác là điều không được phép làm (nếu làm sẽ bị xử phạt), là điều không nên làm (nếu làm sẽ bị mọi người chê cười). Đã có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác và gây ô nhiễm môi trường nhưng trên thực tế ít khi xử phạt nên độ răn đe còn thấp.

Trong khi thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và Chỉ thị 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”,  đồng thời tiến hành thực hiện đề an xây dựng đô thị thông minh thì yêu cầu quan trọng và trước mắt nên là thực hiện TP đảm bảo vệ sinh, TP văn minh. TPHCM phải là một TP xanh, sạch, đẹp trước khi là một TP hiện đại, thông minh. Muốn vậy, cần phải tập trung thực hiện Chỉ thị 19 một cách đồng bộ, quyết liệt với những điểm nhấn cụ thể, nhằm xây dựng TP xanh, sạch, đẹp, thực sự là một đô thị văn minh, thân thiện với môi trường. Xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, nhân cơ chế đặc thù, cần xây dựng các quy định xử lý riêng của TPHCM về vấn đề vệ sinh môi trường của TP, trong đó cần tăng cường các biện pháp xử phạt, bao gồm: xác định các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị sẽ bị xử phạt; tăng mức tiền xử phạt, mở rộng hình thức xử phạt (gồm phạt tiền, khắc phục nguyên trạng, phạt lao động công ích…); xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường (hoặc Thanh tra đô thị) có chức năng xử lý các vấn đề môi trường của TP; cách thức sử dụng nguồn thu từ xử phạt; cơ chế khen thưởng cho tổ chức và cá nhân thực hiện tốt công tác môi trường, xây dựng đô thị văn minh…

Thứ hai, tổ chức lại việc quản lý vệ sinh môi trường của TP. Tùy lĩnh vực nên phân cấp về các địa phương (quận hoặc phường) quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn mình hoặc các cơ quan công ích có chức năng bảo đảm vệ sinh đô thị và có cơ chế xử lý người đứng đầu, cơ quan chuyên trách nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm hay mất mỹ quan nghiêm trọng. Tổ chức lắp đặt đủ các thùng rác công cộng, các nhà vệ sinh công cộng, các điểm trung chuyển rác, thay thế dần các phương tiện vận chuyển, thu gom rác không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thứ ba, gắn xây dựng đô thị thông minh với xây dựng TP văn minh, trong đó đầu tư hệ thống giám sát và báo động về rác, mùi hôi, lượng khói bụi và các khí độc hại trong không khí, độ ô nhiễm của nguồn nước… ở từng khu vực trong thành phố và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Trong đó, từng khu vực có hệ thống camera và quan trắc để phát hiện hành vi gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm để xử phạt tổ chức hoặc cá nhân gây ô nhiễm và có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm (như dùng xe xịt rửa đường, thu gom rác, hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông trong một khoảng thời gian nhất định…).

Thứ tư, tổ chức thực hiện công sở văn minh, sạch đẹp một cách thực chất và bền vững. Trong đó, phát động các trụ sở cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, bến xe, nhà ga… thực hiện chiến dịch xanh – sạch – đẹp bằng cách tạo nhiều mảng xanh, thu dọn rác thải, cải tạo môi trường xung quanh trụ sở. Hàng tuần, thực hiện “ngày chủ nhật xanh” ở từng tổ dân phố, khu dân cư để dọn rác, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan... Các hoạt động này cần được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để tác động mạnh mẽ đến nhận thức người dân, kết hợp với các biện pháp khác góp phần chuyển biến về hành vi xây dựng thành phố văn minh, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo