Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần đổi mới mang tính đột phá

Các đại biểu tham dự diễn đàn. (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Để phát huy vai trò doanh nghiệp trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cơ quan quản lý Nhà nước cần thể hiện tốt vai trò dẫn dắt và các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; cùng với đó cần đổi mới mang tính đột phá về tư duy phát triển  kinh tế vùng... Đó là những ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” diễn ra chiều 27/9, tại TPHCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phối hợp tổ chức.

Chưa phát huy hết lợi thế của vùng

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 8 tỉnh, TP, là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiều địa phương đã dẫn đầu cả nước với mức tăng GDP, thu hút FDI và cải thiện môi trường kinh doanh thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang đóng góp lớn nhất cả nước với 45,4% GDP cả nước, tổng thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu của cả nước (tính đến cuối năm 2018). Đây cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực.

Tuy nhiên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang đối mặt thách thức về tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước nhưng những lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng; kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ. Một trong những khó khăn hiện nay là cơ chế, chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá cần thiết; thiếu liên kết vùng chặt chẽ, chưa hiệu quả. Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, TP trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế của Vùng. 

Về nội dung này, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chủ trương Đảng, Chính phủ là phải liên kết vùng. Tuy nhiên, mấy năm qua Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã không thực hiện được việc liên kết. Liên kết vùng cần kết nối 4 nội dung: bố trí các ngành kinh tế; giao thông kết nối hành lang công nghiệp; có hệ thống đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung, gắn với quy hoạch phát triển đô thị; liên kết vấn đề bảo vệ môi trường. Bốn vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm nhưng đến nay chưa giải quyết được.

Một số ý kiến khác cũng nhận định chung rằng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có xu hướng chững lại, có phần do vai trò dẫn dắt của Nhà nước còn rất mờ nhạt, hầu hết là phát triển tự phát của các tỉnh, thành. Cùng với đó, hệ thống pháp luật rất chồng chéo, khiến việc liên kết vùng rất khó khăn.

Phải đi đầu trong liên kết vùng

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, muốn hội nhập thành công phải liên kết được trong nước, và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đi đầu trong liên kết, lan toả, hội nhập lẫn nhau. Nhà nước cần thể hiện tốt việc dẫn dắt còn doanh nghiệp phải thể hiện vai trò trung tâm. Cần có hội đồng doanh nghiệp Vùng trên cơ sở liên kết Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề. Cùng với đó, cần có Ban chỉ đạo khu vực của Chính phủ và một hội đồng vùng trên cơ sở phối hợp địa phương. Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cần phát triển kinh tế số, khuyến khích hình thành các hội đồng doanh nghiệp theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, dich vụ...

Để phát huy tiềm năng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển  kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Cùng với đó xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng là tiền đề của liên kết phát triển Vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (ảnh: Đan Như) Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (ảnh: Đan Như)

Đề cập đến những giải pháp phát huy vai trò doanh nghiệp trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đề xuất, các địa phương cần ban hành chính sách phát triển hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị theo từng ngành, hợp tác, liên kết phát triển mạng lưới giữa các ngành, giữa các vùng kinh tế để nâng cao năng lực, lợi thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và hội nhập quốc tế. Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, dịch vụ logistics gắn với phát triển công nghiệp – đô thị.  Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của các tỉnh, TP thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên kinh tế và chính sách công của Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbringht Việt Nam cho rằng, cần giải quyết triệt để vướng mắc về quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng; hoàn thiện cơ chế đấu thầu; giải bài toán ngân sách cho vùng; thúc đẩy vai trò khu vực đầu tư tư nhân bằng cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó là thu hút FDI chọn lọc; tận dụng ODA một cách hiệu quả; xây dựng khuôn khổ đối tác công – tư (PPP); cải thiện liên kết vùng trong đầu tư cơ sở hạ tầng;…

S.Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo