Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Việt Nam cần một nền giáo dục có thể đáp ứng được yêu cầu của thế giới hiện đại

PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 17/8, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kết hợp với Câu lạc bộ Giáo dục mới phối hợp tổ chức Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2019  (Vietnam Educamp 2019) với chủ đề: "Những viễn cảnh giáo dục mới”. Nội dung diễn đàn xoay quanh giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay, chúng ta có rất nhiều kết quả đáng tự hào. Theo đó, GD-ĐT luôn là quốc sách hàng đầu trong các văn bản chiến lược; mức đầu tư công của Việt Nam đối với giáo dục luôn bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 5,8% GDP, nằm trong mức cao so với các nước trong khu vực. Đây là điểm mạnh của giáo dục Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận.

Cạnh đó, Việt Nam đã đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học từ những năm 2000, cấp THCS vào năm 2010 và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Tỷ lệ nhập học của học sinh có điều kiện khó khăn, dân tộc thiểu số cũng ngày càng được cải thiện. “Chất lượng giáo dục đã thể hiện qua các kết quả của Việt Nam trong các kỳ đánh giá quốc tế PISA, hay trong các cuộc thi Olympic các môn khoa học hàng năm là minh chứng cho chất lượng của giáo dục phổ thông” - PGS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Lê Anh Vinh, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đạt kết quả cao trong các kỳ thi đánh giá quốc tế, học sinh Việt Nam các cấp vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kỹ năng và động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng còn nhiều hạn chế. Những vấn đề này không chỉ là vấn đề chỉ trong phạm vi của nhà trường, mà của cả gia đình và toàn xã hội, cần sự chung tay để giải quyết các vấn đề này.

Theo PGS Lê Anh Vinh, Việt Nam cần một nền giáo dục có thể đáp ứng được yêu cầu của thế giới hiện đại, mong muốn những công dân Việt Nam sáng tạo, có khả năng thích nghi và thích ứng cao. Những yêu cầu đó chỉ có thể đạt được qua những trải nghiệm giáo dục mang tính cá nhân hoá, nhằm tập trung phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân.

Vietnam Educamp 2019 tập hợp được 36 báo cáo của nhiều giáo viên, nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu giáo dục, nhà làm chính sách đến từ nhiều đơn vị đa dạng như trường học (từ mầm non đến đại học), viện/trung tâm nghiên cứu, các tổ chức dịch vụ giáo dục, nhà sách… Nội dung các báo cáo đề cập liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông mới; công nghệ giáo dục; nghiên cứu và phát triển trong giáo dục; phát triển nguồn nhân lực; mô hình giáo dục mới; giáo dục năng khiếu và giáo dục đặc biệt; giáo dục phi chính quy; giáo dục STEM; kinh nghiệm quốc tế…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo