Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ươm mầm những ước mơ giữa Trường Sa

Thầy và trò tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

(Thanhuytphcm) - Ở quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hàng ngày vẫn cất vang tiếng trẻ học bài. Ở đó, có những người thầy giáo tận tâm cống hiến sức trẻ ươm mầm ước mơ cho những học sinh giữa biển trời bao la của Tổ quốc Việt Nam.

Lấp lánh những ước mơ

Những ngày này, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây được trang hoàng để chào đón năm mới. Những dòng chữ “Chúc mừng năm mới” đã được trang trí và các em học sinh bắt đầu tập các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn nghệ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 càng làm không khí thêm rộn rã. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú hồ hởi: “Để không khí Tết thêm rộn ràng, trường sẽ tổ chức cho các em chơi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, trang trí hoa mai…”. Nghe câu chuyện thầy giáo Phú kể, cảm nhận trong tôi như không khí mùa xuân đang về trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nâng cánh cho những ước mơ của học sinh nơi đảo xa.

Tôi vẫn nhớ sự hồn nhiên, những ước mơ đẹp của những học sinh trong các ngôi trường ở Trường Sa trong lần tôi được tham gia hải trình “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của đoàn Đại biểu Đảng bộ và Nhân dân TPHCM trong năm 2019. Với nét mặt rạng rỡ, em Nguyễn Lưu Nhật Huy, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây chia sẻ về lớp học của mình: “Khi đi học, thầy giáo dạy con rất kỹ. Con thích nhất là học môn Toán. Ở đây, con không chỉ được học thầy giáo mà hàng ngày con được gặp các chú bộ đội. Các chú rất hiền và con yêu các chú. Con muốn lớn lên sẽ được làm bộ đội như các chú để bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo cho Tổ quốc. Thầy nói con ráng học giỏi để giúp cho đất nước sau này”.

Cùng tại ngôi trường này em Kim Thịnh háo hức kể: “Con thích làm nhà khoa học; để con sáng chế được nhiều thứ. Làm nhà khoa học để được khám phá thế giới”. Trong bộ quần áo may theo trang phục hải quân, bé Trúc Lý kể: “Con rất thích bộ quần áo này vì nó đẹp, giống quần áo của mấy chú Hải quân vẫn mặc. Giờ con cố gắng học cho giỏi để sau này lớn lên làm công an, bảo vệ mọi người”.

Ở huyện đào Trường Sa, nhiều đảo đã có trường học khang trang để dạy chữ cho con em các hộ dân sinh sống trên đảo. Tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, bé Ái Nhi líu lo kể: “Bài toán trước được thầy cho 10 điểm, con rất vui. Thầy dạy dễ hiểu và thương con như ba mẹ ở nhà. Con sẽ cố gắng học cho giỏi để sau này làm bác sĩ. Khi làm bác sĩ, nếu chú bộ đội ốm con sẽ chữa cho mấy chú”.

Mỗi em có một ước mơ riêng, những khoảng trời riêng trong ý nghĩ của mình. Những ước mơ đó sẽ vươn nở như cánh hoa phong ba, hoa bàng vuông… mãnh liệt khoe sắc giữa Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Lặng lẽ gieo những mầm xanh

“Con muốn về bên mẹ/Nhưng nhớ lại lời xưa/Mẹ đã dạy cho con/Tổ quốc luôn đứng trước/Nơi đảo xa con gửi/Ngàn cái nhớ cái hôn/Theo ngọn sóng, ngọn gió/Lên vầng trán mẹ hiền”. Đọc những lời thơ chân thành, mộc mạc trong bài “Mùa xuân ở Trường Sa” của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây chúng tôi càng cảm nhận những tình cảm của người thầy giáo trẻ giành cho Trường Sa.  

Chàng trai quê xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hữu Phú kể, anh yêu thích nghề sư phạm từ còn lúc học sinh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 30 tuổi anh mới thi vào Đại học sư phạm. Trước khi đi học ngành sư phạm anh đã phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống và nhiều lúc ngủ mơ thấy mình được trên giảng đường Sư phạm. Khi ước mơ thành hiện thực, sau nhiều lần đăng ký thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Phú đã được ra Trường Sa dạy học. “Khi ra đảo tôi mang ít bút viết cho mấy em. Kỷ niệm nhớ mãi là khi lên tàu ra đảo lại gặp áp thấp nhiệt đới nên lênh đênh nửa tháng trên biển mới tới đảo. Dù khi đi say sóng nhưng vừa bước chân trên đảo người dân đón tiếp rất vui. Trước khi ra trường, tôi đã đi dạy một số trường ở vùng sâu vùng xa. Nhưng ở đảo Trường Sa điều kiện còn khó khăn hơn đất liền. Điều này tôi đã xác định trước khi ra đảo và hình ảnh các em học sinh ở đây rất dễ thương, ngoan hiền, một thế hệ tương lai của đất nước,.. điều đó đã ý thức trong tôi càng muốn gắn bó với trường lớp ở đây hơn”.

Học sinh tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa Học sinh tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

Cũng công tác tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc bộc bạch: “Tôi muốn đến Trường Sa dạy học để được cống hiến đưa con chữ cho học trò nơi đây được học tập tốt hơn. Để việc dạy học hiệu quả hơn, nhiều khi chúng tôi tự làm đồ dùng học tập cho lớp. Thấy học sinh ham học hiểu là động lực để những người giáo viên như chúng tôi cố gắng gieo mầm tương lai cho các em”.

Tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, thầy giáo Phạm Xuân Dự, 26 tuổi cho biết, anh từng công tác ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dạy học ở Trường Sa có nhiều khác biệt so với đất liền nhưng vẫn chọn đây là nơi “đưa đò” vì tình yêu trẻ và thực hiện ước mơ được cống hiến sức trẻ của mình. “Mọi người ở đây sống rất tình cảm và đoàn kết. Phụ huynh khi nấu một nồi chè cũng gọi thầy qua ăn hay mang qua tận nhà. Đó là những tình cảm rất trân trọng và đầy xúc động. Những ngày dạy học ở Trường Sa chắc chắc sẽ là những kỷ niệm đẹp đẽ trong hành trình làm nghề giáo của tôi”. - Thầy giáo Phạm Xuân Dự kể.

Với nhiều người đã từng đến với Trường Sa, mỗi khi nhắc đến tên những hòn đảo trên quần đảo này đều có cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Bởi Trường Sa là phần máu thịt thiêng liêng của đất nước Việt Nam. Ở đó có thế hệ “măng non” luôn mang trong mình hoài bão, ước mơ tươi đẹp, trong trẻo…

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo