Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn – TPHCM

Triển lãm bản đồ cổ và ảnh Sài Gòn xưa thu hút sự quan tâm của khách tham quan Đường Sách.

(Thanhuythcm.vn) - Sáng 30/11, tại Đường Sách TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức khai mạc Tuần lễ Sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM (1698 - 2018), giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa của Sài Gòn - TPHCM qua 320 năm hình thành và phát triển.

Diễn ra từ ngày 30/11 đến 9/12, chương trình gồm nhiều hoạt động triển lãm, giao lưu, giới thiệu sách đặc sắc. Nổi bật là triển lãm các bản đồ cổ ghi nhận tình hình địa lý, địa giới Sài Gòn trong các năm: 1799, 1860, 1864, 1870, 1875, 1878, 1881, 1882, 1893, 1895, 1898, 1911, 1920, 1922. Trong đó có 5 bản đồ gốc về chiến sự khi Pháp tấn công Sài Gòn từ năm 1859 đến 1863 gồm: bản đồ sông Sài Gòn 1859 do Bộ Hải quân Công binh Pháp vẽ; bản đồ Sài Gòn 1860 của Trinh sát Công binh Pháp ngày 19/7/1860; bản đồ Sài Gòn 1861 về Chiến tuyến Kỳ Hòa và phác đồ vị trí các đồn và các tàu Pháp ở Nam kỳ (tháng 11/1861); bản đồ cảng Sài Gòn 1863 của chuẩn Đô đốc Grandière; bản đồ Sài Gòn 1866 của Hải quân Pháp.

Ngoài các bản đồ, triển lãm còn giới thiệu 19 tấm ảnh panorama về Sài Gòn xưa lần đầu tiên được công bố. Những bức ảnh này thuộc quản lý của Tạp chí Xưa và Nay đã mang đến cho công chúng hôm nay cái nhìn vừa quen vừa lạ về khung cảnh Chợ Bến Thành, Bệnh viện Nguyễn Trãi, một góc đường Đồng Khởi… từ hơn 100 năm trước.

Bên cạnh đó là phần trưng bày những tựa sách giới thiệu về các giai đoạn hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM với 3 chủ đề chính: Lịch sử - địa lý - văn hóa; Sài Gòn - TPHCM qua 2 cuộc kháng chiến; Văn học - Tản văn.

Ngoài ra, còn có các chương trình: giới thiệu bộ sách “Vùng đất Nam bộ - Quá trình hình thành và phát triển” (2/12); giao lưu giới thiệu bộ sách 3 tập “Văn chương Sài Gòn” (9/12); giao lưu với tác giả Phong Việt (8/12). Đường Sách cũng dành góc vui chơi và vẽ tranh cho thiếu nhi với các chủ đề “Thành phố ước mơ”, “Xe tuổi thơ” và “Tạp hóa tuổi thơ”.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo