Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 18/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của NHNN Việt Nam tại hội nghị cho biết, với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. TPHCM là địa phương triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt đi đầu trong cả nước về triển khai có hiệu quả chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với các hình thức kết nối phong phú, đa dạng, như: ký kết cho vay theo chuyên đề (nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).

Kết quả, trong năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP đã cho vay theo chương trình được 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng, giải ngân cho vay theo gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%, trung dài hạn xoay quanh 9%/năm. Kết quả triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã góp phần giúp TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 346.248 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng 8,3% của TP.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Phương Đông cho biết, danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TPHCM giai đoạn 2018 – 2020 gồm có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, là các sản phẩm công nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh luong thực - thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may cần hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, sản xuất. Để hỗ trợ, TP đã tập trung 5 nhóm giải pháp hỗ trợ như: mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, thủ tục hành chính và thuế hải quan. Tuy nhiên, nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp tại TPHCM.

Các đơn vị ký kết bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM. Các đơn vị ký kết bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Trần Việt Anh cho biết, hiện nay, tham gia chương trình đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất, đều đạt được tăng trưởng ổn định và cam kết trả nợ. Ông Trần Việt Anh cũng cho rằng những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ (quy mô gia đình, thậm chí chỉ có 5 người sản xuất) đang đóng góp rất lớn cho kinh tế TP và phải là đối tượng được quan tâm của chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã giúp tháo gỡ khó khăn về vốn, tiếp sức cho các doanh nghiệp TP. Năm 2018, ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký mới là hơn 8.630 doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 147.000 tỷ đồng (tăng 46% so với năm trước) đã thể hiện sự tác động của chính sách vĩ mô và sự quan tâm của TP đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như khẳng định sự đóng góp của doanh nghiệp cho TP (với khoảng 62% GDP).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đề nghị các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu để nắm thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt những thông tin về chính sách của TP và trung ương hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi phát triển. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ vay vốn, kích cầu cũng cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vốn chiếm phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Để nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng cho vay trong các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh thành để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khi các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo