Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM nghiên cứu mở rộng một số quyền của người sử dụng đất

Một góc khu trung tâm TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 22/11, UBND TPHCM tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP”. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan; đại diện các sở, ngành, quận, huyện, chuyên gia.

Kiến nghị thay thế Luật Đất đai 2013

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết: TPHCM được giao nắm giữ 209.500ha đất đai của cả nước; trong đó 114.000ha là đất nông nghiệp, 94.600ha là đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất nói trên, 162.300ha đang được sử dụng, 47.300ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927ha. Cũng như Hà Nội, TPHCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại đất nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỷ đồng. Điều này cho thấy, mật độ kinh tế của TPHCM rất cao, một lợi thế và cũng là một thách thức về địa kinh tế trong phát triển bền vững. Vấn đề chủ đạo ở đây là quản lý đất đai sao cho chặt chẽ, bảo đảm công bằng và bình đẳng, đồng thời sử dụng phải đạt hiệu quả và hiệu suất cao.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng, quản lý đất đai nói chung của cả nước, cũng như tại TPHCM đang đứng trước khá nhiều thách thức cần phải vượt qua. Trước hết là phải sớm vượt qua sự thiếu đồng bộ pháp luật giữa pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan đang gây ách tắc cho quá trình quản lý các dự án đầu tư phát triển. Hy vọng Quốc hội, Chính phủ sẽ sớm giải quyết tận gốc tình trạng này. Tại địa phương, lãnh đạo có thể dựa vào 3 nguyên tắc áp dụng pháp luật bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cao hơn ban hành sẽ có hiệu lực thi hành cao hơn; trong các văn bản quy phạm pháp luật cùng cấp thẩm quyền ban hành, văn bản ban hành sau sẽ có hiệu lực thực hiện cao hơn văn bản ban hành trước; văn bản quy phạm pháp luật đúng chuyên ngành luật sẽ có hiệu lực thi hành cao hơn các văn bản của các chuyên ngành khác có liên quan.

Để hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành theo hướng nghiên cứu mở rộng một số quyền của người sử dụng đất đã được thực hiện phổ biến trên thực tế và bổ sung một số quyền để đồng bộ với quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015. Rà soát, đề xuất một số chính sách thuế về đất đai, bất động sản đánh vào việc sử dụng đất lãng phí, đầu cơ đất đai. Rà soát sắp xếp lại mô hình tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là tổ chức phát triển quỹ đất theo đúng chỉ đạo của Trung ương, có xem xét cho một số địa phương thí điểm, chuyển dần mô hình tổ chức phát triển quỹ đất sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp phát triển quỹ đất để bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) mạnh dạn kiến nghị xây dựng 1 Luật Đất đai mới thay thế Luật Đất đai 2013 với yêu cầu đơn giản, dễ thực hiện, dễ hiểu và hiểu thống nhất, dễ làm và làm thống nhất, thuận lợi cho kiểm tra, giám sát, thanh tra và kết luận của kiểm tra, giám sát, thanh tra phải thống nhất; trong đó yêu cầu đơn giản và dễ hiểu và hiểu thống nhất. Đồng thời, đề xuất giao cho TPHCM xây dựng Luật Đất đai mới thay thế Luật Đất đai 2013.

Quang cảnh hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP” Quang cảnh hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP”

Tháo gỡ những nút thắt

Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng: Để quản lý đất đai hiệu quả có nhiều việc cần phải làm, trong đó có 4 nhóm giải pháp TPHCM phải xử lý. Đó là xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai có tầm nhìn và quản lý quy hoạch sử dụng đất đai thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm, 5 năm một cách chặt chẽ, khoa học và linh hoạt. Tức là phải có quy hoạch sử dụng đất gắn với các quy hoạch chuyên ngành và phục vụ cho sự phát triển quy hoạch chuyên ngành. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất phải gắn liền với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thường xuyên cập nhật quá trình sử dụng đất, bổ sung nhu cầu sử dụng đất phát sinh nhưng đồng thời phải thu hồi các dự án xin đất nhưng không triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, khẩn trương tháo gỡ những nút thắt có liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Trong đó, TP tháo gỡ về pháp lý, trình tự thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ; đối với những việc vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Trung ương xem xét tháo gỡ.

Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình vốn hóa đất đai; cần phải nghiên cứu lại với đất công nhà nước phải đấu thầu, đấu giá nhưng đất thuộc quyền sử dụng đất của người dân thì để người dân tự thỏa thuận với doanh nghiệp. Khung giá, bảng giá bổ sung phần điều chỉnh tăng thêm, cho phép hàng năm TP được điều chỉnh từ 5% - 7% giá đất để tạo ra mặt bằng giá mới. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ quản lý đất đai.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo