Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM kiến nghị quản lý đối với các hoạt động kinh doanh du lịch qua mạng

Ca nô cao tốc hoạt động trên 7 tour du lịch đường sông mới khám phá các tuyến điểm tại TPHCM và các vùng phụ cận

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn TP giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2016.

Theo đó, để phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch TPHCM nói riêng theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững, UBND TP kiến nghị Chính phủ mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế; đồng thời, tăng thời hạn miễn visa đối với các thị trường Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý… lên 21 ngày hoặc 30 ngày (thay vì 15 ngày như hiện tại) để phù hợp với thời gian cho khách tham gia vào một chương trình du lịch đến Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tăng thời hạn thí điểm miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha - trong 2 năm qua có tốc độ tăng trưởng tốt khoảng 14%/năm) lên 5 năm hoặc xem xét miễn visa cho 5 nước này. Cùng với đó, xem xét cho phép miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn 30 ngày.

UBND TP kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ TP trong việc quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông để phát triển TP thành cửa ngõ giao thông quan trọng trong khu vực ASEAN, phát triển đường cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP với các tuyến điểm du lịch trong nước; đầu tư xây dựng các cảng hành khách phục vụ việc phát triển du lịch đường thủy của TP.

UBND TP cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì công tác quảng bá xúc tiến xây dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam; tham mưu ban hành mới hoặc điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở lưu trú du lịch được đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường. Đồng thời phối hợp Bộ Xây dựng sớm có văn bản quy định cụ thể về khoảng cách an toàn trong xây dựng cơ sở lưu trú du lịch; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất, trình Chính phủ ban hành mã ngành “kinh doanh lữ hành nội địa, quốc tế” trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thay cho mã ngành “Điều hành tour du lịch”; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất ban hành mã ngành du lịch chung trong đào tạo đại học chuyên ngành du lịch; phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai mạnh chương trình thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong khối ASEAN.

Bên cạnh đó, UBND TP kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường quản lý đối với các hoạt động kinh doanh du lịch qua mạng, xử lý nghiêm tình trạng nhái thương hiệu, sao chép nội dung các chương trình sản phẩm du lịch.

Theo UBND TP, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2016, ngành du lịch TP đã từng bước phát triển với sự mở rộng quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch, cùng với chuỗi các sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng hóa hướng tới nhiều thị trường mới… ngành du lịch TP luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP và cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch Việt Nam và khu vực có nhiều cạnh tranh gay gắt, thị trường khách quốc tế có biến động, ngành du lịch TP vẫn tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, có tốc độ tăng trưởng bền vững, ổn định, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Lực lượng doanh nghiệp du lịch TP ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của ngành du lịch TP, góp phần định vị và nâng cao thứ hạng du lịch TP trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Đồng thời, tập trung phát huy lợi thế, các thế mạnh của TP (về đô thị, ẩm thực, mua sắm, tham quan…) để phát triển du lịch TP; công tác phát triển sản phẩm du lịch của TP tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của TP như: du lịch MICE (hội họp), du lịch đường thủy, du lịch mua sắm thì du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới, du lịch y tế… cũng được đẩy mạnh. Song song với phát triển sản phẩm, việc hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh, thành trong nước có nhiều điểm mới, chuyển từ hợp tác song phương sang hình thức hợp tác đa phương. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước được chú trọng, mang lại hiệu quả tích cực, thu hút được sự quan tâm, theo dõi và tham gia của khách du lịch trong và ngoài nước...

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo