Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM: Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ phải có chiến lược, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Công tác đào tạo cán bộ cần bám sát với yêu cầu thực tiễn và có chiến lược để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, tạo được sinh lực mới cho đội ngũ cán bộ TP. Bên cạnh đó, phải quan tâm, có chính sách phù hợp để thu hút, “giữ chân” được đội ngũ cán bộ giỏi. Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo chuyên gia về nội dung chương trình và hình thức đào tạo cán bộ Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của TP do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 15/7.

Đào tạo phải gắn với thực tiễn

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều thống nhất nhận định, Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi là một chủ trương lớn và đúng đắn của TPHCM. Các chương trình này đã thu hút, tuyển chọn sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi có triển vọng phát triển tốt tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn để trở thành cán bộ quản lý các cấp.

Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, cần khẳng định việc triển khai Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của TP là một chủ trương đúng, một sản phẩm đặc trưng của TP. Tuy nhiên để thực hiện tốt hơn các chương trình này, cần tập trung chuẩn bị đầu vào kỹ hơn. TP đang hướng tới mục tiêu sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông - Nam Á. Vì vậy, công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ phải có chiến lược, để 5-10 năm tới, TP có thể thực hiện mục tiêu này.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu tại hội thảo. Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu tại hội thảo.

“Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ cần tính toán hình thức, nội dung đào tạo trong nước, ngoài nước hoặc liên kết cho phù hợp; đồng thời chú trọng việc đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ để có được đội ngũ cán bộ có chuyên môn tốt phục vụ cho nhu cầu phát triển của TP” – nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần xem xét thấu đáo đặc điểm mới đang tác động vào hai chương trình đào tạo cán bộ của TP. Đó là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đang tạo ra những sức mạnh mới; đồng thời cũng đặt ra những thử thách, đòi hỏi mới với công tác quản lý xã hội. Vấn đề hiện nay là đội ngũ cán bộ đang và sắp được đào tạo theo các chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi có sẵn sàng để đáp ứng các đòi hỏi, vượt qua thách thức và tận dụng được sức mạnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thực thi nhiệm vụ hay không?

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Đua, cơ quan được TP giao điều phối hai chương trình đào tạo cán bộ cần xem xét thấu đáo từng đặc điểm tình hình thực tế để phát huy, khai thác mặt tích cực và xử lý những yếu tố mới phát sinh để mỗi chương trình đáp ứng được với yêu cầu mới. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc phát hiện và thu hút cho được cán bộ trẻ tuổi, sinh viên tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ và có triển vọng tham gia chương trình.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để làm tốt công tác đào tạo cán bộ, tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi cần sự quan tâm của cấp ủy các cấp đối với cán bộ trẻ; đồng thời phải đưa kiến thức thực tiễn vào các chương trình đào tạo cán bộ. Theo PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP, để làm tốt công tác đào tạo cán bộ, cần tăng cường mối quan hệ giữa các đơn vị sử dụng cán bộ và đơn vị đào tạo để cùng nắm bắt, trao đổi thông tin về nhu cầu, nguyện vọng, năng lực đào tạo; từ đó khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo cán bộ.

Cũng về vấn đề đào tạo cán bộ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Nguyễn Hội Nghĩa cho biết, cần xác định nhu cầu các bên liên quan trong công tác đào tạo cán bộ. Từ đó đề ra kết quả, kỳ vọng năng lực học viên phải làm được, như một chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Cần có kế hoạch, xác định ngành nghề đào tạo, nơi đào tạo, đánh giá học viên để hiện thực hóa chương trình đào tạo.

Là một trong những cán bộ trưởng thành từ chương trình đào tạo cán bộ của TP, Thạc sĩ Nguyễn Huy Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 6, Quận 6 cho rằng: Sau khi chọn được nguồn cán bộ để quy hoạch, đào tạo nên đưa cán bộ trẻ về cơ sở trước khi đưa đi đào tạo. Điều này giúp đội ngũ được tiếp cận, hiểu được công việc mình sẽ làm sau khi được đào tạo. Cùng với đó, khoảng 3-5 năm lại tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ cấp phường xã, không chỉ dừng lại ở cấp quận, huyện như hiện nay.

Cần có chính sách ưu đãi rõ ràng

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các giải pháp để thu hút, giữ chân cán bộ giỏi. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng, TP cần phải thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế của chương trình đào tạo cán bộ, trong đó tìm hiểu tình trạng, nguyên nhân số cán bộ sau khi được đào tạo thì không vận dụng được trong công việc được giao; xin ra khỏi chương trình... Vì vậy, phải coi trọng môi trường làm việc, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ trẻ phát huy được năng lực, kiến thức đã được đào tạo. Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng, cơ chế lương thấp như hiện nay chưa tạo được động lực cho cán bộ giỏi phấn đấu, sẽ chảy máu “chất xám” từ cơ quan Nhà nước ra các công ty nước ngoài. Vì vậy, cần có chính sách rõ ràng cho những cán bộ giỏi bên cạnh các chính sách thu hút Việt kiều về nước làm việc.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo.

Để nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo cán bộ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đề xuất, cần nghiên cứu, phân tích các vị trí việc làm có nhu cầu tuyển dụng cán bộ, học viên các chương trình đào tạo cán bộ trẻ thành các nhóm cơ bản giúp cho công tác tuyển dụng xác định được mục tiêu và giải pháp thực hiện rõ ràng, thuận lợi; giúp cho công tác tư vấn, định hướng đào tạo cho cán bộ, học viên trúng tuyển đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cho biết, kết quả về công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chương trình đào tạo nguồn, quy hoạch quản lý cán bộ trong nhiều năm qua đạt nhiều kết quả. Đến nay TP có 1.000 người được đào tạo theo các chương trình này.

Theo đồng chí Tất Thành Cang, TP xác định việc đào tạo, quy hoạch cán bộ là việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho thế hệ kế tiếp, vì vậy TP sẽ tập trung vào một số việc như phát hiện nguồn, chuẩn bị cán bộ, bồi dưỡng nhận thức, động cơ phấn đấu, đổi mới phương thức làm việc của chương trình, nội dung phương thức đào tạo, lĩnh vực đào tạo. Cùng với đào tạo năng lực chuyên môn phải giáo dục về bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu tổng kết hội thảo. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu tổng kết hội thảo.

Đồng chí Tất Thành Cang giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì các đơn vị rà soát lại các quy định gắn với một số nhiệm vụ mới hiện nay, từ đó gắn vào khâu quy hoạch, đào tạo cán bộ, lựa chọn cán bộ để báo cáo, tham mưu TP thực hiện Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của TP một cách hiệu quả.

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo