Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm việc, thêm ngày nghỉ lễ trong năm

Quang cảnh buổi họp báo.

Chiều 17-9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến một số đề xuất về vấn đề giảm giờ làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi cho người lao động trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tại đây, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: Giảm thời giờ làm việc, tăng thời giờ nghỉ ngơi là vấn đề đang được các cấp công đoàn Việt Nam đặc biệt quan tâm trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.

Trao đổi với các phóng viên, đồng chí Ngọ Duy Hiểu thông tin về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Việt Nam so sánh với tiêu chuẩn lao động quốc tế và các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó dẫn chứng số liệu khảo sát của tổ chức ILO, Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực và nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới. Về giờ làm thêm, Việt Nam ở mức trung bình của thế giới, nhưng hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Đã có bằng chứng cho thấy, người lao động phải chịu áp lực để tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc hoàn thành định mức lao động nhưng không được tính lương làm thêm ngoài giờ.

Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra những cơ sở chính trị-pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất giảm thời giờ làm việc cho người lao động. Theo đó, các cơ sở chính trị-pháp lý được đưa ra như: Quy định trong các Công ước (Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ, Công ước số 132 về nghỉ phép hằng năm); Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Bộ luật Lao động năm 2012… và những chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hướng đến bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

Về cơ sở thực tiễn, đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.

Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động như thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ…

 “Việc giảm thời gian làm việc bình thường nhằm bảo đảm hài hòa các yếu tố sức khỏe, góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Về phía doanh nghiệp, điều này cũng tạo động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Với những cơ sở chính trị-pháp lý, cơ sở thực tiễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ trong một tuần xuống 44 giờ trong một tuần vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở. Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm. Theo đó, nghỉ lễ Quốc khánh 4 ngày từ ngày 2 đến 5-9 hằng năm hoặc nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.

Theo QDND.VN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo