Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Phương án thi, tuyển sinh sau năm 2020

Tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, đảm bảo có độ phân hóa phù hợp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Vân Thanh)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực để nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) báo cáo về Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sau năm 2020.

Báo cáo tại phiên họp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết, phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau 2020 được đề xuất trên cơ sở tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội; bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thứ 2, kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015-2020, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ; đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và lộ trình tăng cường tự chủ của các cơ sở GD-ĐT. Thứ 3, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Mục đích và yêu cầu của phương án là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; đảm bảo có độ phân hóa phù hợp nhằm có thể tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ…

Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Phương thức tổ chức thi: tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Bộ GD-ĐT cho rằng, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như ETs, ACT... Đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Về lộ trình thiển khai, giai đoạn 2021-2025: cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính. Cụ thể, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích học phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung gồm: ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm. UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ GD-ĐT điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.

Phiên họp sáng 25/9 về Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020. (Ảnh: SGGP Online) Phiên họp sáng 25/9 về Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020. (Ảnh: SGGP Online)

Giai đoạn tiếp theo, tức sau năm 2025, tiếp tục ổn định kỳ thi cho các học sinh học chương trình GDPT mới có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT. Những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước 1 năm các nội dung cụ thể về phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi,… để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đổi mới thi THPT thời gian qua là cần thiết; đồng thời nêu rõ, phương án thi cho giai đoạn sau 2021 nên tiếp tục có những cải tiến cần thiết để phù hợp với lộ trình tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy và học trong phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề phân luồng, đổi mới cả chương trình sách giáo khoa. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phù hợp với xu thế, giảm sự can thiệp không cần thiết của con người.

Nêu lên hai phương án cấp chứng chỉ, trong đó phương án một là, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho tất cả học sinh nếu được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và hai là, không cần cấp vì tốn kém mà chỉ cấp khi ai có nhu cầu, Phó Thủ tướng nhận định việc này không có gì vướng mắc lớn, xây dựng xong phương án sẽ lấy ý kiến rộng rãi, tinh thần là tạo thuận lợi nhất cho học sinh và gia đình học sinh.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần bàn thêm, bởi không thể chỉ làm các trung tâm khảo thí, chỉ thi trên máy, có thể làm các trung tâm khảo thí, có thể thi nhiều lần trong năm. Các trung tâm được đánh giá điểm như thi của Bộ và cho học sinh chọn điểm cao hơn. Việc ứng dụng máy tính trong thi THPT quốc gia phải tính, có lộ trình từng năm, tạo điều kiện tối đa cho học sinh. Bộ phải tích cực hơn trong xây dựng ngân hàng đề thi, hiện tiến độ công việc này chưa đảm bảo như Bộ đã cam kết với lãnh đạo Chính phủ.

“Năm 2020, nên có thí điểm thi trên máy tính, sau đó mở rộng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Trung Kiên - Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo