Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tổ chức giao lưu “Nhà báo và nghề báo”

Các tác giả - nhà báo: Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Phạm Thục sẽ tham gia giao lưu tại chương trình

(Thanhuytphcm.vn) – Giao lưu cùng các tác giả - nhà báo: Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Phạm Thục với chủ đề “Nhà báo và nghề báo” nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019) sẽ được tổ chức tại Đường sách TPHCM sáng ngày 26/6, do Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức.

Tại buổi giao lưu, độc giả sẽ được nghe vợ chồng Luật sư – Nhà báo Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa chia sẻ về cuốn sách: Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam – Tập 2: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Đây là cuốn sách được vợ chồng Luật sư – Nhà báo Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa dành 2 năm biên soạn và biên tập. Nội dung cuốn sách thông tin sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam đã có một lực lượng báo chí tương đối trưởng thành về nội dung cũng như hình thức. Nếu trước đó khái niệm báo chí chủ yếu chỉ có loại hình báo chí in, thì đến nay, báo chí đã từng bước chuyển mình phát triển với sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại: báo nói, báo hình và đặc biệt gần đây là báo điện tử.

Cuốn sách cũng khẳng định các loại hình báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chức năng thông tin tuyên truyền, vận động, tổ chức cho quần chúng nhân dân… Điểm khác biệt ở tác phẩm so với nhiều công trình nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam khác là việc nghiên cứu ở tác phẩm này thiên về các văn bản pháp quy của chính quyền các thời kỳ về báo chí.

Với hơn 50 bài phóng sự chọn lọc từ 300 bài báo cùng thể loại trên báo Phụ nữ TPHCM được thực hiện trong khoảng 10 năm (1988-1999), nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên chia sẻ với độc giả khi ra mắt bộ sách 3 tập “Sài Gòn một thuở chưa xa” có nhan đề: Những đồng tiền nghiệt ngã!; Ai đã quên lời thề Hippocrate?; Thầy ơi, thương lấy dân nghèo!

Đó là loạt những phóng sự, điều tra hướng vào những góc khuất của đời sống, những số phận bất hạnh, đi tới cùng của bức tranh toàn cảnh về những con người nghèo khó đang âm thầm vượt qua số phận…, cho đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Óc quan sát tinh tế, trái tim nhạy cảm và bút pháp phóng sự được tôi luyện từ môi trường thanh niên xung phong; cùng với tình yêu Sài Gòn quá đổi của tác giả từ thuở lên mười, khi phải rời xa vùng đất Quảng Nam thời đất nước còn trong lửa đạn… Chân dung Bùi Nguyễn Trường Kiên qua từng trang viết, đã hiện ra như một nhà báo của những người tận đáy xã hội.

Cũng trong buổi giao lưu, Nhà báo Phạm Thục (từng công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng) sẽ chia sẻ về cuốn sách: Interpol – Việt Nam những chiến công vpi.com. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2006, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Interpol Việt Nam (4/11/1991-4/11/2006). Lần tái bản năm 2019 có bổ sung, chỉnh lý này, tác giả tái khẳng định Văn phòng Interpol Việt Nam (VPI) là một đơn vị nghiệp vụ đặc biệt của Công an Việt Nam với nhiệm vụ điều phối hoạt động chống tội phạm tốt hơn, kịp thời hơn và là địa chỉ đáng tin cậy, là chiếc “phao cứu sinh” của người Việt sống bên ngoài Tổ quốc, khi gặp chuyện không may, cần sự cứu giúp…

Thụy Đan

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo