Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tình trạng chi sai chế độ còn lớn

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra tình trạng chi sai chế độ còn lớn

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 24, chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016, tổng số thu ngân sách là 1.014.500 tỷ đồng; tổng số chi là 1.273.433 tỷ đồng; bội chi: 254.233 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Các khoản quản lý thu, chi qua ngân sách nhà nước (NSNN) là 91.245 tỷ đồng; các khoản vay về cho vay lại: 43.010 tỷ đồng. Nhiệm vụ chi NSNN năm 2016 đã được thực hiện theo Nghị quyết của QH, HĐND các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của QH. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết của QH.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định...

Thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho thấy, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai. Việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng. Việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách trung ương vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017.

Theo nhận định của Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đây chính là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả kiểm toán tại 13 bộ ngành và 47 địa phương cho thấy việc tinh giản biên chế chưa được triển khai có hiệu quả, trong khi đó giao biên chế công chức vượt số Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người...

Bên cạnh đó, hoàn thuế giá trị gia tăng không đầy đủ, kịp thời, giao dự toán thu không sát, phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn. Một số nhiệm vụ QH giao Chính phủ tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 chưa được đánh giá đầy đủ trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý thu tăng cường công tác thu, tập trung thực hiện triệt để các giải pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh; đồng thời, đề xuất giải pháp khoanh nợ, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi, trình QH xem xét, quyết định. Chính phủ cần quan tâm và quyết liệt hơn trong điều hành ngân sách để kiểm soát bội chi năm 2017 và các năm sau nhằm bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 25/2016/QH14 của QH là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng về số thu ngân sách, vượt dự toán 9,2% chủ yếu là tăng thu từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương lại hụt 1.398 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, việc chấp hành kỷ luật thu chưa được thực hiện nghiêm. Đối với các khoản chi, cơ bản đảm bảo theo dự toán, tuy nhiên, kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Dù đã đặt ra yêu cầu không được xảy ra nợ đọng cơ bản nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Đây là điều cần khắc phục.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra tình trạng chi sai chế độ còn lớn. Về bội chi, quyết toán là 248.728 tỷ đồng, giảm 5.508 tỷ đồng, nhưng so với quy mô của nền kinh tế thì bội chi trên GDP là 5,52%, trong khi Nghị quyết QH chỉ cho phép 4,95%.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo